Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ngăn chặn khủng bố tiếp cận nguồn vũ khí

Thứ năm, 03/08/2017 16:37
(ĐCSVN) – Ngày 2/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết nhằm ngăn chặn các nhóm khủng bố tiếp cận nguồn vũ khí, đặc biệt là vũ khí nhỏ và nhẹ trước lo ngại rằng, việc “tích trữ và sử dụng bất hợp lý” các loại vũ khí này sẽ tiếp tục đe dọa tới hòa bình, an ninh thế giới và khiến nhiều người thiệt mạng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ngăn khủng
bố tiếp cận nguồn vũ khí, ngày 2/8. (Ảnh: UN/Kim Haughton)

Bản nghị quyết được bảo trợ bởi Ai Cập – nước hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã mạnh mẽ lên án các hành vi cung cấp vũ khí, các thiết bị quân sự, các hệ thống máy bay không người lái (UAS) và các bộ phận cấu thành hệ thống này, cùng các bộ phận cấu thành thiết bị nổ tự tạo (IED) tới và trong phạm vi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al-Qaida, các nhánh và các nhóm liên kết của Al-Qaida cùng các băng nhóm tội phạm và buôn bán vũ khí trái phép.

Bản nghị quyết kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc ngăn cản và đập tan các mạng lưới thu mua vũ khí, các hệ thống và các thiết bị cấu thành vũ khí giữa, và trong phạm vi các nhóm, các thực thể nêu trên. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng kêu gọi áp dụng các biện pháp pháp lý phù hợp nhằm vào những đối tượng tham gia cung cấp vũ khí cho khủng bố, bảo đảm an toàn và quản lý hiệu quả các kho vũ khí nhỏ và nhẹ.

Nghị quyết kêu gọi các nước hoàn thiện các biện pháp giúp bảo đảm phân loại và đánh dấu các vũ khí nhỏ và nhẹ nhằm nâng cao khả năng “dễ phát hiện” của các loại vũ khí này trước nguy cơ có thể được cung cấp cho các nhóm khủng bố thông qua các hoạt động buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi 193 nước thành viên Liên hợp quốc nâng cao năng lực pháp lý, thực thi pháp luật, kiểm soát biên giới cũng như khả năng điều tra các mạng lưới buôn bán vũ khí nhằm đập tan các sợi dây liên kết giữa tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và chủ nghĩa khủng bố. Mỗi nước thành viên Liên hợp quốc cần đóng vai trò trong các thể chế khu vực và quốc tế chuyên trách, để có thể hỗ trợ loại bỏ nguồn cung cấp vũ khí cho các nhóm khủng bố, đồng thời thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tương ứng.

Trước khi bản nghị quyết trên được thông qua, một số quan chức cấp cao phụ trách mảng chống chủ nghĩa khủng bố của Liên hợp quốc đã trình bày vắn tắt trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về những nỗ lực phối hợp đang được các cơ quan, các ủy ban chức năng triển khai để có thể hiện thực hóa cam kết của Liên hợp quốc về một “phương thức tiếp cận toàn diện nhằm chống chủ nghĩa khủng bố và ngăn chặn các phần tử khủng bố sở hữu vũ khí”.

Phát biểu trước báo giới sau phiên bỏ phiếu ngày 2/8, Đại sứ Ai Cập tại Liên hợp quốc  - ông Amr Abdellatif Aboulatta khẳng định, đây là một trong những bản nghị quyết đầu tiên nhằm ngăn cản khủng bố tiếp cận với các nguồn vũ khí. Theo quan điểm của đại diện ngoại giao này, thì các hành vi cung cấp vũ khí cho các phần tử khủng bố và các nhóm khủng bố cũng được xem là một tội ác tương tự như hành vi khủng bố.

Giám đốc điều hành Văn phòng Liên hợp quốc về ma tuý và tội phạm (UNODC) có trụ sở tại Vienna (Áo) – ông Yury Fedotov cảnh báo, các phần tử khủng bố có nhiều phương thức để sở hữu vũ khí, tại tất cả mọi khu vực trên thế giới, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ năng lực yếu kém trong việc bảo vệ các kho vũ khí, kiểm soát biên giới… Qua đó, ông Fedotov cũng nhấn mạnh đến những thách thức trong việc ngăn chặn vũ khí bị rơi vào tay các phần tử khủng bố, trong bối cảnh chưa thiết lập được một môi trường pháp lý, thu thập dữ liệu phù hợp, thiếu năng lực và các thiết bị chuyên dụng cũng như thiếu vắng sự phối hợp trong phạm vi và giữa các nước, các khu vực với nhau.

Trong khi đó, đại diện đặc biệt của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) Emmanuel Roux cho rằng, việc vũ khí bị rơi vào tay của các phần tử khủng bố không phải là một vấn đề mới mẻ, tuy nhiên, mối đe dọa ngày nay đã được đẩy lên ở một mức độ “phức tạp chưa từng có tiền lệ”./.

Thu Lan (Theo UN News centre, firstpost)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực