Hà Nội xử lý 18 cán bộ liên quan đến vi phạm quy hoạch xây dựng

Thứ tư, 16/08/2017 15:34
(ĐCSVN) – Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 16/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tham gia giải trình thêm các vấn đề liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị của Thủ đô hiện nay.

Xử lý 18 trường hợp cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý của Thành ủy Hà Nội

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, mặc dù công tác phê duyệt quy hoạch đã được các cơ quan tham mưu cũng như Hà Nội trình trên cơ sở phê duyệt của Bộ Xây dựng đúng theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chung. Tuy nhiên, việc các chủ đầu tư vi phạm liên quan đến quy hoạch chi tiết tại các khu đô thị, khu chung cư đã được xây dựng trên địa bàn trong nhiều năm qua là có thật. Trong đó, vi phạm chủ yếu liên quan đến quy hoạch chi tiết về mật độ xây dựng, vấn đề chiều cao các công trình…Để xảy ra trình trạng này, ông Nguyễn Đức Chung thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm trước hết thuộc về thành phố trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã thiếu giám sát, thiếu kiểm tra, đặc biệt là lực lượng thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, sai pham cũng xuất phát từ ý thức chủ quan của chủ đầu tư trong quá trình xây dựng đã cố tình vi phạm.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận trách nhiệm
 về việc chậm trễ trong xử lý nhà số 8B Lê Trực (Ảnh: KS)

Để khắc phục thực trạng này, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội đã phối hợp với Bộ Xây dựng, thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành tăng cường tổ chức kiểm tra; giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương - nơi có khu đô thị xây dựng; giao trách nhiệm cho lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở Xây dựng và lãnh đạo Sở Xây dựng. Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương trong quá trình quản lý xây dựng đô thị. “Từ những biện pháp quyết liệt như vậy, Hà Nội đã xử lý rất nhiều công trình vi phạm cũng như cán bộ liên quan. Cụ thể từ đầu năm 2016 đến nay, các đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kiểm tra xử lý 18 trường hợp cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý của Thành ủy Hà Nội”, ông Nguyễn Đức Chung thông tin.

Trả lời về trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong việc xử lý nhà số 8B Lê Trực, ông Nguyễn Đức Chung đã nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trong xử lý theo quy định, đồng thời khẳng định Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong việc xử lý sai phạm nhà số 8B Lê Trực. “Hiện nay, chúng tôi đã hạ được toàn bộ tầng 19 của tòa nhà. Tuy nhiên để hạ được những tầng tiếp theo, chủ đầu tư cùng với Hà Nội đang trình Bộ Xây dựng thẩm định phương án kỹ thuật bảo đảm cho việc phá dỡ an toàn. Hiện nay tôi được biết, Bộ Xây dựng cũng đang mời một số nhà khoa học để trình thẩm định phương án kỹ thuật xem cắt như vậy tòa nhà có bảo đảm về mặt kỹ thuật để người dân sau này có thể sinh sống hay không, hay phải tìm một phương án khác. Trong thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thẩm định kỹ thuật liên quan đến xử lý tòa nhà 8B Lê Trực, trên cơ sở đó công bố công khai cho dư luận biết”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo

Về nội dung chỉnh trang đô thị, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, vấn đề này được UBND TP Hà Nội, HĐND TP Hà Nội và đặc biệt là Thường trực Thành ủy rất quan tâm. Đặc biệt, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, vấn đề này được đưa ra chất vấn tại 2 kỳ họp của HĐND thành phố đối với lãnh đạo Sở Xây dựng, các quận huyện... Với tinh thần đó, từ hơn 300 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo (năm 2015) đến nay, thành phố đã xử lý còn 132 trường hợp. Hiện việc xử lý đang được thành phố tập trung vào các nhà siêu mỏng, siêu méo đã tồn tại trước tháng 12/2016. Cụ thể, những nhà diện tích dưới 30m2, thành phố kiên quyết thu hồi hoặc khuyến khích cho các chủ hộ giáp ranh các nhà siêu mỏng, siêu méo hợp khối. 

Bên cạnh đó, với những công trình xây dựng giao thông mới, khi quy hoạch, phê duyệt dự án, Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, các ban quản lý dự án trong quá trình khảo sát, đo vẽ các trường hợp liên quan đến ô, thửa đất của người dân cần xác định ô, thửa đất nào dưới 30m2 để ra quyết định thu hồi phục vụ trồng cây xanh, lát vỉa hè. Với những trường hợp ô, thửa đất dưới 30m2 nhưng người dân tự thỏa thuận được với nhau thì sẽ được tạo điều kiện hợp thửa, hợp khối.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải trình thêm
 trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (Ảnh: kinhtedothi.vn)

Về tình trạng ngập lụt của thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định tình trạng này đã và đang gây bức xúc cho người dân và cử tri thành phố. Nhận thức được vấn đề này, từ năm 2002 Hà Nội đã được đầu tư xây dựng dự án thoát nước bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Hiện nay, giai đoạn 1 của dự an đã hoàn thành, giai đoạn 2 cũng cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, dù có hoàn thành cả giai đoạn 1 và 2 thì với các quận nội thành Hà Nội cũ và một phần quận Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ cũng chỉ chịu được lượng mưa 120mm.

Song song với giải pháp trên, Hà Nội đã đưa ra kế hoạch giai đoạn 2016-2020 tiến hành đào và bổ sung thêm 25 hồ ở khu vực nội thành. Trong đó có những hồ rất lớn như Hồ Công viên CV1 tại khu vực Cầu Giấy rộng 32ha, trong đó 19ha mặt hồ. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang tiến hành nạo vét 128 hồ quận nội thành, trong đó có Hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm nhằm giảm áp lực ngập lụt khi mưa lớn tại Hà Nội./.

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực