Đưa Việt Nam trở thành công xưởng chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới

Thứ sáu, 22/02/2019 17:30
(ĐCSVN) - Thủ tướng nhấn mạnh, cần kêu gọi, hợp tác với các doanh nghiệp trên thế giới; nghiên cứu các giải pháp để làm thế nào biến Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới.

Ngày 22/2, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá năm 2019”. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Diễn dàn. 

Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh: BT)

Bứt phá mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, từ năm 2005, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam bắt đầu gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD với việc xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng, chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.

Bên cạnh đó, tỷ trọng nguyên liệu chế biến gỗ trong nước hiện đã đạt 76,4%, nhập khẩu giảm xuống ở tỷ lệ 23,4%. Năm 2018, sản lượng gỗ khai thác nội địa đạt 28,45 triệu m3, gỗ nhập khẩu chỉ khoảng 10 triệu m3 quy tròn.

Năng lực chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ. Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.

Những kết quả trên thể hiện rõ sự bứt phá mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản, từng bước đóng góp vào quá trình phát triển chung của kinh tế lâm nghiệp.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng bên lề Diễn đàn. (Ảnh: BT)

Đưa Việt Nam trở thành công xưởng chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt được trong thời gian qua. Trong đó, năm 2018, không chỉ xuất khẩu vượt kế hoạch với khoảng 9,4 tỷ USD, xuất khẩu trên 120 địa bàn quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã đứng đầu ASEAN về xuất khẩu sản phẩm gỗ, đứng thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới. Bên cạnh đó, một số sản phẩm thiết kế mẫu mã tốt đã được thị trường khó tính chấp nhận. Các sản phẩm gỗ xuất khẩu, sản phẩm tiêu dùng ở Việt Nam phần lớn là từ rừng trồng, hạn chế nguồn gỗ nhập khẩu. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã tăng quy mô, nghiên cứu phát triển và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đó là những thành quả nổi bật, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của ngành.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đặt ra nhiều yêu cầu cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản. Trong đó, nhấn mạnh việc không có trồng rừng sẽ không có phát triển công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu cần phát huy thế mạnh rừng của nước ta thông qua trồng rừng và chế biến lâm sản. Đây là được xem là giải pháp bứt phá.

Đặc biệt, trong 10 năm tới, Việt Nam phải lọt vào 15 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản có thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới.

“Trong khi chúng ta mới chỉ nắm được 6% thị phần, còn 94% của các nước khác. Theo tốc độ phát triển hiện nay thì 10 năm nữa, đến năm 2030, chúng ta chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu, có đủ để trở thành một trong những nước đứng hàng đầu, là trung tâm sản xuất chế biến xuất khẩu đồ gỗ lâm sản trên thị trường thế giới hay không?" – Thủ tướng đặt câu hỏi.

Nhấn mạnh việc “muốn đi xa thì phải cùng đi”, Thủ tướng cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào số lượng các doanh nghiệp hiện nay thì rất khó sau 10 năm nữa chiếm được thị phần chi phối trên thế giới. Vì vậy, cần kêu gọi, hợp tác với các doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp nhỏ, tầm trung...  trên thế giới để biến Việt Nam trở thành một công xưởng của nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, đưa khát vọng ngành chế biến gỗ lâm sản của Việt Nam đi xa hơn. Cần nghiên cứu các giải pháp để làm thế nào biến Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới.

Thủ tướng đề nghị cần nhận diện tiềm năng, lợi thế của ngành để tận dụng, nắm bắt thời cơ nhằm phát triển bền vững. Tiếp tục củng cố nguồn nguyên liệu, làm sao có nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng giúp doanh nghiệp xuất khẩu ở mức cao.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản nâng cấp, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị sản xuất đi liền với thiết kế mẫu mã, mỹ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Với mốc 11 tỷ USD đề ra cho kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản năm 2019, Thủ tướng đề nghị cần vượt qua con số này thông qua các giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn nguyên liệu, khoa học công nghệ,…; đồng thời, cần đào tạo nguồn nhân lực lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu của ngành trong bối cảnh kinh tế hội nhập, chú trọng đến công tác thiết kế sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực