Đề nghị lùi thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới

Thứ sáu, 13/10/2017 15:13
(ĐCSVN) - Sáng 13/10, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 15, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình. (Ảnh: TTXVN)

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ trình bày nguyên nhân của việc xin lùi thời gian đó là, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới đối với Bộ GD&ĐT và các chuyên gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng.

Chương trình giáo dục phổ thông có thời gian sử dụng lâu dài và đóng vai trò quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện và phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông. Vì vậy, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới lần này được tiến hành theo quy trình chặt chẽ. Tính từ khi ban hành Nghị quyết 88 (tháng 11/2014) đến khi ban hành chương trình mới (dự kiến quý I năm 2018), thời gian thực tế để thực hiện quy trình xây dựng chương trình mới cần hơn 3 năm.   

Thêm nữa, Bộ trưởng cho hay, quá trình dự thảo chương trình mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội. Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu xây dựng chương trình mới cũng cần thêm thời gian để tiến hành các thủ tục theo quy định. 

Vì những lý do trên, căn cứ tình hình xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và chuẩn bị điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc đến tháng 9 năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng nếu triển khai theo lộ trình đã được Quốc hội thông qua thì chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới cũng như điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới chưa bảo đảm, do đó việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa khó đảm bảo thành công và khó nhận được sự đồng thuận, yên tâm của xã hội.

Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ 1 năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022, cụ thể:

Năm học

Các lớp tiến hành thực nghiệm

Các lớp bắt đầu áp dụng

2018 - 2019

Lớp 1

 

2019 - 2020

Lớp 2 và lớp 6

Lớp 1

2020 - 2021

Lớp 3, lớp 7 và lớp 10

Lớp 2 và lớp 6

2021 - 2022

Lớp 4, lớp 8 và lớp 11

Lớp 3, lớp 7 và lớp 10

2022 - 2023

Lớp 5, lớp 9 và lớp 12

Lớp 4, lớp 8 và lớp 11

2023 - 2024

 

Lớp 5, lớp 9 và lớp 12

Với phương án mới nêu trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực người học; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình hiện hành; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có của các cơ sở giáo dục phổ thông; bảo đảm sự tham gia và cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Mặt khác, trong phương án mới, tổng thời gian hoàn thành việc triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới (5 năm) không thay đổi so với phương án nêu tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404 nhưng theo từng năm học, số lớp học ở một cấp học áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ tăng dần, đến năm thứ 5 thì tất cả các lớp học ở cả ba cấp học mới áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Điều này góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới một cách chắc chắn, nhất là đối với chương trình một số môn học tích hợp (ở cấp THCS) và lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp (ở cấp THPT).

Cũng tại phiên họp, đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết phải lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới để có đủ thời gian chuẩn bị, do việc triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và các điều kiện bảo đảm đã bị chậm; đồng thời yêu cầu thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng trước khi áp dụng đại trà.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng nên đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện; phân tích cụ thể nguyên nhân chậm trễ, tính toán kỹ việc lùi thời điểm thực hiện như Tờ trình có bảo đảm chất lượng hay không để rồi không phải xin lùi thêm lần nữa và có làm phát sinh chi phí hay không; đồng thời lưu ý triển khai đồng bộ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa 12) về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực