Chia sẻ kinh nghiệm hướng tới phát triển bền vững mô hình Đô thị thông minh trong khu vực APEC

Thứ sáu, 18/08/2017 17:43
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo 

(ĐCSVN) - Sáng 18/8, tại TP Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, Hội thảo về "Chia sẻ thực hành tốt trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp về đô thị thông minh trong khu vực APEC", do Tiểu ban về Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC) tổ chức với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC.

Phát biểu Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế kỹ thuật số là một chủ đề ưu tiên của năm APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam. Một trong những hoạt động trọng tâm trong năm nay của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC) là "Phát triển và thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số", đây là một lĩnh vực khá mới, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đòi hỏi các thành viên APEC phối hợp chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm thực hành tốt nhất trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, chứng nhận sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhằm đạt được các mục tiêu Bogor đã đề ra.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Hội thảo APEC về Đô thị thông minh lần này là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế liên quan cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận những biện pháp cải tiến và thúc đẩy việc xây dựng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động tiêu chuẩn, chứng nhận hướng tới phát triển bền vững mô hình Đô thị thông minh trong khu vực APEC. Đây cũng là cơ hội tốt để các nền kinh tế đang phát triển của APEC như Việt Nam, Thái Lan, Philipines... có cơ hội học hỏi những mô hình điểm, kinh nghiệm tốt về nghiên cứu, triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về phát triển Đô thị thông minh từ các nền kinh tế có trình độ khoa học công nghệ cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore... hướng tới mục tiêu ưu tiên của năm APEC 2017 là phát triển Nền kinh tế số trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra.

Hội thảo tập trung vào chủ đề định hướng phát triển, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC) trong lĩnh vực Đô thị thông minh, chia sẻ kinh nghiệm của một số nước phát triển về hoạch định chính sách phát triển đô thị thông minh tại các quốc gia, định hướng phát triển đô thị thông minh phù hợp với tiêu chí đánh giá phát triển của UN, chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực cụ thể trong khu vực APEC như giao thông thông minh, tòa nhà thông minh, quản lý nguồn nước, phương tiện giao thông thế hệ mới tiết kiệm năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin và các ứng dụng công nghệ thông minh áp dụng vào đời sống…

Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Phạm Lê Cường - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Việt Nam cho biết: Việt Nam sẽ có bài phát biểu về dự án "Các hoạt động chuẩn hóa của Việt Nam trong thành phố thông minh", là một trong 31 dự án đã được SOM 1 phê duyệt tại Đà Nẵng. Việt Nam sẽ chia sẻ với các nước về những khó khăn, thuận lợi trong việc hướng tới xây dựng thành phố thông minh; cập nhật nội dung đầy đủ về những tiêu chuẩn của thành phố thông minh, kinh nghiệm thực tiễn của các nước trong giải quyết các vấn đề thách thức khi triển khai đô thị thông minh.

Quá trình đô thị hóa tại nước ta hiện nay là xu hướng tất yếu và không thể tránh khỏi. Đi kèm với quá trình này là rất nhiều những vấn đề gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội và cuộc sống của cư dân. Đô thị thông minh mặc dù là một khái niệm còn rất mới mẻ, nhưng với các ưu điểm của mình, Đô thị thông minh chính là giải pháp hiệu quả để xử lý các vấn đề của đô thị hóa, nhờ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân, đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững của đô thị./.

VL - Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực