Cần thu hút mạnh hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào vùng Tây Bắc

Thứ ba, 15/08/2017 20:16
(ĐCSVN) - Ngày 15/8, tại Cao Bằng, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội nghị sơ kết 7 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2017. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.
Hội nghị sơ kết công tác 7 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2017
của Ban Chỉ đạo Tây Bắc - Ảnh: Hoàng Long

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương cùng lãnh đạo 14 tỉnh vùng Tây Bắc.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc nêu rõ, 7 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội trong vùng phát triển ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng cải thiện. Tổng sản phẩm toàn vùng tăng hơn 6% so với cùng kỳ, thu ngân sách trên địa bàn được trên 18,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; chi ngân sách Nhà nước gần 54 nghìn tỷ, bằng 59% kế hoạch năm. Hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai có hiệu quả, tạo động lực phát triển của từng địa phương. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường; chất lượng hoạt động của các tổ chức, cơ sở đảng, đoàn thể được nâng lên…

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song vùng Tây Bắc vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, phát triển giao thông, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp... Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm, do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão, đã xảy ra mưa to, lũ quét và sạt lở đất ở một số địa phương trong vùng đã làm 45 người chết, 17 người mất tích, 24 người bị thương. Tổng giá trị thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt trong những ngày đầu tháng 8, mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại một số tỉnh Tây Bắc, ước tính tổng thiệt hại hơn 1.230 tỷ đồng.

Trước tình hình mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã có mặt kịp thời, phối hợp với các địa phương chỉ đạo, huy động các lực lượng bố trí nơi ăn, ở cho các hộ gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi; tổ chức tìm kiếm người mất tích; triển khai di dời những hộ gia đình ra khỏi nơi có nguy cơ bị lũ quét; kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để khắc phục thiệt hại…

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu đã đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế vùng, trong đó tập trung vào vấn đề phát triển giao thông vùng Tây Bắc. Vì giao thông quá khó khăn nên các thế mạnh là phát triển nông lâm nghiệp, du lịch chưa được khai thác hiệu quả. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra giải pháp phát triển kinh tế cho vùng Tây Bắc bằng chủ trương phát triển chăn nuôi và xây dựng thương hiệu thịt bò của người dân tộc Mông. Hiện nay, Dự án “Ứng dụng công nghệ phát triển thịt bò chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở miền núi phía Bắc” trị giá 64 tỷ đồng do Bộ này hỗ trợ đang chuẩn bị đầu tư tại tỉnh Bắc Kạn.

Tại hội nghị, các tỉnh Yên Bái, Sơn La báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc báo cáo Trung ương sớm có giải pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất, trong đó khó khăn nhất là việc tìm quỹ đất an toàn để di dời những hộ dân sống trong vùng nguy cơ bị thiên tai, sạt lở, lũ quét.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc ghi nhận những kiến, kiến nghị của các tỉnh, các ý kiến này sẽ được Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc trình Bộ Chính trị xem xét giải quyết. Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý các tỉnh cần khẩn trương huy động nguồn lực, tập trung khôi phục lại hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, y tế... phục vụ hoạt động sản xuất cho nhân dân, đồng thời vận động nhân dân cùng chia sẻ giúp người dân vùng thiên tai vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị các tỉnh Tây Bắc cần nghiên cứu, đưa ra những cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, trong đó có các cơ chế để thu hút mạnh các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Tây Bắc, hỗ trợ bà con tổ chức sản xuất có hiệu quả theo mô hình liên kết; mô hình Hợp tác xã kiểu mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị các tỉnh cần nghiên cứu và đề xuất các ý kiến về tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở miền núi sao cho phù hợp nhu cầu thực tiễn, tránh lãng phí và thiếu hiệu quả; cải cách hành chính cần phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, tránh rập khuôn, máy móc, hình thức. Các địa phương cần quan tâm hơn nữa công tác trồng rừng; phát triển chăn nuôi và phát triển du lịch. Trong đó, phát triển du lịch cần gắn đa dạng hóa dịch vụ du lịch, tránh trùng lặp, nhàm chán cho du khách.

Bên cạnh đó, tiếp tục chăm lo đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt chính sách dân tộc, miền núi; phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên làm tốt công tác theo dõi, nắm tình hình và chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh trên địa bàn…/.

Phạm Cường - Hoàng Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực