Cần công bố công khai các hiện tượng thất thoát, lãng phí

Thứ năm, 12/04/2018 15:09
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khả năng huy động vốn khó khăn, nhiều công trình, dự án thiếu vốn song nhiều dự án không giải ngân hết vốn được giao là biểu hiện của việc chưa chấp hành nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật về ngân sách Nhà nước.
 
Ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) trong năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo (Ảnh: TH).

Bố trí vốn còn dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định

Thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Thực hiện các giải pháp của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tình hình giải ngân đã có sự cải thiện. Nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) được kiểm soát chặt chẽ; năm 2017 cơ bản không phát sinh nợ đọng XDCB vốn Ngân sách Trung ương. Nhiều công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng (nhất là trong giao thông, thủy lợi, điện, y tế…) được triển khai thực hiện theo hướng tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ và được rà soát điều chỉnh để sớm đi vào khai thác, vận hành nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhiều dự án giao thông quan trọng đang được khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để sớm triển khai thực hiện, như đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất,...

Tuy nhiên, vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Vẫn còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, chưa đủ thủ tục; bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định; chưa ưu tiên bố trí kế hoạch vốn để thanh toán nợ đọng XDCB và thu hồi các khoản ứng trước; phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn của ngành, địa phương; huy động vốn đầu tư vượt quá quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN).

Các dự án BT, BOT giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ; Quyết định chủ trương đầu tư một số dự án còn bất hợp lý trong cân đối tổng thể và quy hoạch; phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư chưa đúng quy định. Hầu hết các công trình dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng đã đưa vào khai thác, thu phí đều chậm và chưa quyết toán theo đúng thời gian hợp đồng...

Việc xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương có kết quả bước đầu nhưng còn nhiều khó khăn (tới thời điểm tháng 3/2018 có 06 dự án, nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ; 03 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn; 03 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn).

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, kỷ luật về tài chính ngân sách, quản lý thu, chi ngân sách, nợ công đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên Chính phủ cũng chỉ rõ, công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt; nợ đọng thuế còn lớn, nợ khó thu gia tăng, có 19/63 địa phương thực hiện thu nợ thuế đạt thấp hơn so với chỉ tiêu được giao; có đơn vị giao dự toán chi sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo thừa so với định mức, chế độ,...

Đáng chú ý là một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định của Luật THTK, CLP, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về THTK, CLP, không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu, quy định; không đánh giá, phân tích, không có số liệu về kết quả tiết kiệm, tình trạng lãng phí và những tồn tại, hạn chế trong công tác THTK, CLP tại bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình hoặc né tránh, không báo cáo rõ về những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi phạm, gây lãng phí đã được phát hiện...

Làm rõ địa chỉ, trách nhiệm những đơn vị gây thất thoát, lãng phí

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải thẳng thắn chỉ ra, báo cáo chưa thuyết minh chi tiết kết quả tiết kiệm của các bộ, ngành, địa phương, chưa thuyết minh cụ thể việc xử lý vi phạm trong THTK,CLP...

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khả năng huy động vốn khó khăn, nhiều công trình, dự án thiếu vốn song nhiều dự án không giải ngân hết vốn được giao là biểu hiện của việc chưa chấp hành nghiêm Luật THTK,CLP và pháp luật về NSNN.

Bên cạnh đó, có công trình, dự án bố trí không đủ vốn nên không phát huy được hiệu quả vốn đã đầu tư; kéo dài thời gian thực hiện hoặc chậm đưa vào sử dụng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; còn tình trạng thanh toán, quyết toán khối lượng chưa thi công hoặc không đúng thực tế; công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán những dự án đã hoàn thành của một số địa phương còn chậm…

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho hay: Cử tri mong muốn quan tâm đến tài sản công của Nhà nước được sử dụng như thế nào, phải có báo cáo cụ thể trước Quốc hội, như đến nay 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương đưa vào hoạt động như thế nào?. Trong khi đó, một số báo cáo giám sát như khoán xe cho người sử dụng xe công, mua sắm tập trung không được đánh giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị, phải đánh giá việc THTK,CLP chưa tốt là từ nhận thức hay phương thức quản lý, năng lực quản lý để có giải pháp phù hợp khắc phục.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: UBTVQH đề nghị Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách điều chỉnh lại số liệu để sát, đúng với tình hình năm 2017, không lấy số liệu năm 2016; hoàn chỉnh các báo cáo đầy đủ, nghiêm túc.

UBTVQH chính thức phê bình các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo đầy đủ. “Đây cũng là giám sát của Quốc hội về việc chấp hành luật THTK,CLP. Cho nên, không có báo cáo có nghĩa chưa chấp hành nghiêm”.

Cho rằng THTK,CLP tuy còn những hạn chế, song đã có nhiều tiến bộ hơn với năm 2016, song theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc THTK,CLP chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng lãng phí, thất thoát trong sử dụng tài sản công, tài chính công, trong sử dụng nguồn lực còn kém hiệu quả, vẫn còn lãng phí về thời gian, lao động diễn ra ở các mức độ khác nhau.

“Việc tổ chức thực hiện còn chậm, ý thức trách nhiệm của một số các ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa thực sự nghiêm túc. Đề nghị làm rõ địa chỉ trách nhiệm”

UBTVQH yêu cầu xử lý nghiêm túc hơn và cần công bố công khai các hiện tượng thất thoát, lãng phí để dư luận lên án; đồng thời biểu dương các hành động thiết thực đã làm tốt công tác thực hành THTK,CLP trong năm 2017./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực