Biên giới luôn trong lòng dân Thành phố mang tên Bác

Thứ bảy, 20/07/2019 19:46
(ĐCSVN) – Với tình nghĩa keo sơn được hun đúc qua nhiều thời kỳ, TP Hồ Chí Minh đã dấy lên các phong trào xây dựng hậu phương vượt qua mọi thử thách thời hậu chiến, vừa hướng ra tiền tuyến, dồn mọi nguồn lực phục vụ cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới.
Hội thảo nhận được hơn 90 bài tham luận của các đồng chí nguyên lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu  

Sáng 20/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học "TP Hồ Chí Minh với cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnôm Pênh, Campuchia".

Đến dự có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Võ Văn Cương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố; Đại sứ Võ Anh Tuấn, nguyên Đại sứ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hiệp quốc; các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các địa phương khu vực phía Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử.

 sự nghiệp chính nghĩa

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Văn Minh nhấn mạnh: “Cách đây 40 năm, quân và dân ta đã giành chiến thắng oanh liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari giúp hồi sinh cả một dân tộc. Đến nay, với những sáng tỏ của lịch sử, chúng ta một lần nữa tự hào khẳng định rằng: Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên cương ở Tây Nam là cuộc chiến bắt buộc, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tinh thần láng giềng thủy chung, chí tình, chí nghĩa giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia; Chiến tranh biên giới phía Bắc của quân và dân ta là cuộc chiến bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ đất nước”.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Văn Minh đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung thảo luận, phân tích 4 nội dung, cụ thể:

Thứ nhất, làm rõ nguyên nhân, tính tất yếu, diễn biến, quá trình chỉ đạo, tổ chức xây dựng, tổ chức lực lượng của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (1977 - 1979), biên giới phía Bắc (1979 - 1989).

Thứ hai, làm rõ vai trò hậu phương trực tiếp của TP Hồ Chí Minh, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc trong các trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1989); phối hợp với quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng; góp phần thắng lợi bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, làm sâu sắc hơn vai trò của TP Hồ Chí Minh cùng cả nước thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn Campuchia, trực tiếp tại thủ đô Phnôm Pênh (1979 - 1989), giúp đất nước Campuchia hồi sinh đất nước, bước vào kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển.

Thứ tư, về ý nghĩa lịch sử và những kinh nghiệm rút ra trong quá trình xây dựng và tổ chức lực lượng của TP Hồ Chí Minh, phối hợp với các tỉnh bạn và nhân dân Campuchia trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari; 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnôm Pênh vận dụng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Thay mặt cho ban tổ chức Hội thảo, đồng chí Lê Văn Minh tin tưởng các tham luận, các ý kiến thảo luận sẽ góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những nội dung trên đồng thời góp phần quan trọng tạo nền tảng khoa học vững chắc trong cuộc đấu tranh chống lại sự xuyên tạc lịch sử, góp phần bồi đắp, giao dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

TP Hồ Chí Minh luôn là hậu phương vững chắc

 Nói về vai trò của TP Hồ Chí Minh đối với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh, với tình nghĩa keo sơn được hun đúc qua nhiều thời kỳ, TP Hồ Chí Minh đã dấy lên các phong trào xây dựng hậu phương vượt qua mọi thử thách thời hậu chiến, vừa hướng ra tiền tuyến, dồn mọi nguồn lực phục vụ cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới. Lực lượng thanh niên xung phong, lực lượng vũ trang đã lên biên giới cùng quân dân các tỉnh cương quyết đập tan âm mưu xâm lược của kẻ địch, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Các tầng lớp nhân dân Thành phố đã đóng góp hàng triệu đồng, hàng trăm tấn hàng gửi ra tiền tuyến, biểu thị tinh thần trách nhiệm, mối quan hệ máu thịt và lòng biết ơn vô hạn đối với đồng bào và chiến sỹ ruột thịt ngoài tiền tuyến chống quân xâm lược.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, khi chiến tranh biên giới diễn ra, TP Hồ Chí Minh đã phát động phong trào "mỗi một mũi chông là một viên đạn", nhân dân Thành phố sôi nổi hưởng ứng, chỉ trong thời gian ngắn, Thành phố chuyển lên biên giới 3 triệu cây chông tre và chông sắt do hàng vạn đồng bào đóng góp, 481.265 bàn chông sắt do các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, 70 tấn sắt thép, 82 tấn xi măng, 96.700 cuốc xẻng, 5.000 dao, lưỡi cưa…

PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội lịch sử Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Không chỉ làm hậu phương vững chắc cho 2 cuộc chiến đấu tự vệ chính đáng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng tại vùng biên giới, TP Hồ Chí Minh còn tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnôm Pênh, Campuchia.

PSG.TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh, trong hoàn cảnh Việt Nam vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hậu quả về kinh tế- xã hội do chiến tranh và chế độ cũ để lại hết sức nặng nề. Cùng một thời gian, nhân dân Việt Nam vừa khôi phục đất nước sau chiến tranh, vừa đối mặt với hai cuộc chiến tranh biên giới. Trong điều kiện muôn vàn khó khăn như vậy, Việt Nam vẫn hết lòng giúp đỡ Campuchia với tinh thần quốc tế trong sáng. Quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu anh dũng kết hợp với lực lượng Campuchia đánh bật quân Khmer Đỏ tại Thủ đô Phnôm Pênh. Sau khi Campuchia được giải phóng, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia giúp Campuchia xây dựng chính quyền, lực lượng, hỗ trợ vật chất, giúp Campuchia phục hồi kinh tế từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại. Để tri ân và ghi nhớ công lao của quân tình nguyện Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định “ Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”.

Đồng quan điểm, TS Lê Hồng Liêm, Phó chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia nhấn mạnh: “Đây là sự thật lịch sử nhưng một thời gian dài đã bị các thế lực thù địch, kể cả có luồng dư luận quốc tế hiểu sai, bị xuyên tạc, vu khống, tiến hành nhiều biện pháp bao vây, cấm vận về chính trị, ngoại giao, kinh tế… Vì nhân dân và đất nước Campuchia mà Việt Nam đã chịu đựng nhiều hy sinh, tổn thất, phải đến hơn 30 năm sau mới được tòa án Liên Hợp Quốc và Campuchia đưa ra xét xử và kết tội tập đoàn Pôn Pốt tội ác diệt chủng”.

Cần phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục lịch sử

 Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, cho biết TP Hồ Chí Minh có vai trò hết sức quan trọng trong 10 năm Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Trong đó, đoàn chuyên gia quân sự 7708 phối hợp với đoàn chuyên gia A.50 của TP Hồ Chí Minh làm công tác vận động quần chúng giúp nhân dân Phnom Penh khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Đoàn chuyên gia đã trích khẩu phần của cán bộ, chiến sĩ được 173 tấn gạo để cứu đói hàng vạn người dân; thực hiện một vạn ngày công giúp nhân dân làm nhà, xây dựng 470 nhà trẻ, trại mồ côi, trường mẫu giáo, 22.7000 ngày công cấy, gặt lúa… Đoàn còn phối hợp vận động 18 đợt nhân dân Phnôm Pênh đi lao động, tham gia phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ đất nước…

Từ hai cuộc chiến tranh biên giới, các đại biểu cũng đã phân tích ý nghĩa lịch sử và thảo luận về những bài học kinh nghiệm được rút ra. Theo PGS.TS Phan Xuân Biên, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam để lại nhiều bài học lịch sử, trong đó có bài học về sự cảnh giác, bài học nhận thức bạn - thù, bài học cho sự chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, PGS.TS Phan Xuân Biên cũng đưa ra ý kiến cần phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục lịch sử cho các thế hệ.

“Dân tộc ta vốn có truyền thống tiến hành chiến tranh chống xâm lược là để hòa hiếu, để tắt muôn đời chiến tranh, cốt sao toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia như trong Phú Chí Linh, Nguyễn Trãi đã để lại (Giữ hòa hiếu cho hai nước/Tắt muôn đời chiến tranh/Chỉ cốt vẹn đất nước, cốt sao an ninh). Để đạt được mục tiêu ấy, không phải “quên lịch sử” mà cần phải “nằm lòng” lịch sử để chúng ta tính toán chiến lược chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cùng với xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay như thế nào. Để cho các thế hệ mai sau nêu cao tinh thần cảnh giác trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần phải biên soạn sách giáo khoa lịch sử về những vấn đề chiến tranh biên giới một cách khách quan trung thực, không né tránh, không bị chi phối bởi những từ hoa mỹ hay sách lược ngoại giao tùy theo bối cảnh lịch sử”, PGS.TS Phan Xuân Biên nhấn mạnh.

TS Lê Hồng Liêm cũng cho rằng, cần chủ động trong công tác tuyên truyền về những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế trong sáng của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Cần nói ra sự thật lịch sử về những hy sinh, mất mát của quân đội, nhân dân ta trong những năm tháng đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp đỡ quân, dân Campuchia lật đổ chế độ Pôn Pốt. Cần có những tiếp cận đa chiều để làm sáng tỏ và khẳng định cuộc chiến đấu chống chế độ diệt chủng Khmer Đỏ là một mốc son trong quan hệ phát triển, tình đoàn kết giữa Việt Nam và Campuchia. Quan hệ hai nước ngày càng tốt, nhưng vẫn tiềm ẩn bất ổn, vì vậy cần phải quan tâm hơn nữa các hoạt động củng cố, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt với các hoạt động mang tầm chiến lược, lâu dài./.

Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực