Thành phố Hồ Chí Minh: Giải pháp chống ngập nào hiệu quả?

Thứ sáu, 01/06/2018 16:39
(ĐCSVN) - Để công tác chống ngập tại TP Hồ Chí Minh hiệu quả, việc chống ngập cần tìm hiểu, phân tích kỹ nguyên nhân từng điểm ngập còn tồn tại và phát sinh mới, từ đó xây dựng kế hoạch xử lý lâu dài. Nghĩa là phải có nhạc trưởng quy hoạch đồng bộ, phải thể hiện được bức tranh về công tác chống ngập trước mắt và lâu dài.


Cơn mưa lớn tối 19/5 khiến hàng loạt tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh chìm trong biển nước 
Ảnh: Minh Khuê

Chống ngập rồi lại tái ngập

TP Hồ Chí Minh là thành phố ven biển, có sông rạch chằng chịt, nền đất thấp nên bị ảnh hưởng rất lớn của thủy triều. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh nằm trọn trong lưu vực của 3 con sông lớn là sông Sài Gòn – Đồng Nai – Soài Rạp. Tình trạng ngập lụt chịu tác động rất lớn từ chế độ tiêu thoát nước của 3 con sông này. Bởi, vào thời điểm triều cường dâng cao, nhiều khu vực không có mưa vẫn xảy ra ngập vì cốt nền thấp hơn cả mực triều.

Vì thế mà trong những năm gần, TP Hồ Chí Minh đang phải căng mình chống ngập, triển khai hàng loạt công trình chống ngập như làm bờ bao, cống ngăn triều, nâng cấp cống thoát nước, nâng đường… nhưng tình trạng ngập vẫn gia tăng sau mỗi cơn mưa. Thực tế, chỗ nào ngập vẫn hoàn ngập. Chống ngập rồi lại tái ngập, xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới.

Điển hình như chiều 19/5 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, cơn mưa kéo dài 3 tiếng đã khiến hàng loạt tuyến đường chìm trong “biển nước”. Các tuyến đường như Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Cây Trâm, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí ngập với độ sâu từ 10cm đến 25cm. Có những đoạn thấp bị ngập từ 50-60cm, nước tràn qua cả yên xe máy. Nước tràn vào nhà dân ven đường khiến cuộc sống nhiều người bị đảo lộn. Ngoài ra, còn 22 tuyến đường khác bị ngập như: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng… Riêng đường Huỳnh Tấn Phát thì không chỉ trời mưa mà ngay cả thời tiết nắng đẹp vẫn xảy ra tình trạng ngập nước ở một số điểm. Thực tế này cho thấy, các giải pháp chống ngập hiện nay vẫn chưa đúng hướng, chưa đầy đủ.

Tại cuộc họp về kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 diễn ra ngày 30/5, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Trong việc chống ngập phải có nhạc trưởng; phải đồng bộ quy hoạch chứ không phải mạnh ai nấy làm. Như chuyện cốt nền, không thể mỗi nơi làm một kiểu. Công tác quản lý quy hoạch của mình còn bất cập”.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến ngập nước và kẹt xe là hai vấn đề khiến không chỉ người dân và cả lãnh đạo TP cũng vô cùng bức xúc. “Riêng ngập nước, có nhiều nguyên nhân do lịch sử, do con người, do cả quản lý quy hoạch nhà nước và ý thức xã hội, người dân”. Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết.

Để giải quyết tình trạng ngập nước, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP cần tìm hiểu, phân tích kỹ nguyên nhân từng điểm ngập còn tồn tại và phát sinh mới, từ đó xây dựng kế hoạch xử lý lâu dài. Nghĩa là phải thể hiện được bức tranh tổng thể về công tác chống ngập, phân tích rõ công trình hiệu quả ra sao.

Tình cảnh ngập xảy ra trên nhiều tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh
do chịu tác động thủy triều - Ảnh: Minh Khuê

Áp dụng đồng bộ, tổng thể nhiều giải pháp?

Được biết, trước đây một thời gian dài công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị của thành phố mắc phải một số hạn chế như khu vực phía Nam TP là nơi có nền đất yếu và thấp nhưng lại được đầu tư phát triển đô thị, kênh rạch bị lấp hàng loạt, hàng nghìn ha diện tích chứa nước bị biến mất, ruộng vùng ven biến thành đô thị... khiến thành phố bị ngập lụt khi triều cường, khi mưa nhiều.

Mặt khác, trong trung tâm TP hệ thống cống thoát nước cũ kỹ, tiết diện nhỏ và đang xuống cấp. Thậm chí, nhiều tuyến đường còn chưa có cống thoát nước hoặc có nhưng bị tắc nghẽn nên khi mưa xuống là đường biến thành kênh thoát nước, nước lõng bõng ngay cả khi trời không mưa…

Giải pháp chống ngập được TP Hồ Chí Minh đã được triển khai mạnh trong thời gian gần đây như nâng đường, nâng nền, làm bờ bao, cống kiểm soát triều, nâng cấp hệ thống thoát nước… Đặc biệt, mới đây TP đã triển khai xây dựng hệ thống máy bơm chống ngập thông minh. Qua đánh giá của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.Hồ Chí Minh, hệ thống bơm chống ngập đã cơ bản mang lại hiệu quả giảm ngập nhưng trong quá trình vận hành lại xảy ra nhiều vấn đề như rác thải làm chặn miệng cống; đường cống lớn chảy tuần hoàn làm vô hiệu hóa hệ thống bơm thông minh…

GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, giải pháp sử dụng máy bơm “siêu khủng” để giải cứu ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh chỉ là biện pháp tình thế. Bởi không phải cứ bơm mãi được, nếu giải quyết ngập lụt ở chỗ này mà cứ bơm lại đẩy áp lực nước sang chỗ kia, rồi chỗ khác lại ngập.

Việc sử dụng máy bơm “siêu khủng” để giải cứu ngập lụt chỉ hiệu quả trong hoàn cảnh cụ thể ở một số khu vực. Về chiến lược dài hạn, chỉ có thể xây dựng công trình đê biển tại cửa hệ thống sông Sài Gòn – Soài Rạp mới có thể cứu được TP Hồ Chí Minh khỏi ngập. GS.TS Đào Xuân Học cho biết.

Cùng quan điểm này, Kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nước và Môi trường TP Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp chống ngập kiểu mới. Đó là giải pháp ngăn triều thông minh kiểu mới trên sông Vàm Cỏ. Công trình này sẽ dùng công nghệ mới về kiểm soát triều, không đóng mở như các cống hiện nay mà là giảm lượng nước chảy ra một cách linh hoạt, không ảnh hưởng đến giao thông và môi trường.

Cụ thể là xây dựng đập ngăn triều dài khoảng 3km, sâu 5 - 6m tại vị trí ngã ba sông Vàm Cỏ - Soài Rạp, cùng với đó là xây dựng tuyến đê bao. Kỹ sư Vũ Hải cho biết, với chiều dài khoảng 3km, theo tính toán công trình này chỉ tốn khoảng 300 triệu USD và chỉ mất hai năm thi công.

Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng chưa hoàn thành theo kế hoạch - Ảnh: Minh Khuê

Ngoài ra, nhiều giải pháp chống ngập cũng đã được các nhà khoa học đề cập, trong đó có kiến nghị TP quy hoạch dành không gian cho nước để chống ngập. Các chuyên gia dẫn kinh nghiệm của Hà Lan, Nhật Bản, xây dựng đô thị có chủ động “dành chỗ cho nước” là giải pháp chống ngập có hiệu quả nhất.

Theo GS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), hồ điều tiết là một trong những giải pháp nhằm chứa nước mưa đã được ứng dụng tại nhiều nước. Giải pháp vừa mang tính hiệu quả tức thời, vừa đỡ tốn kém kinh phí. Cụ thể, các hồ này sẽ thu và chứa nước mưa trong trường hợp mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, giải pháp trên chỉ hỗ trợ và bổ sung thêm cho các giải pháp chống ngập và chỉ chống ngập cục bộ.

Thời gian tới, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần triển khai đồng bộ các giải pháp tổng thể như: Đầu tư đồng bộ hệ thống cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao, quy hoạch hạ tầng, xây dựng bản đồ số về các điểm ngập; triển khai nhanh các dự án thoát nước…

Ở TP Hồ Chí Minh, hiện nhiều giải pháp nhằm chống ngập úng tại những khu vực trọng yếu đã được triển khai quyết liệt. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đầu tư số tiền lớn để giải quyết bài toán chống ngập như công trình chống ngập gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, công trình chưa hoàn thành theo kế hoạch, vì vậy chưa thể đánh giá hết được hiệu quả của nó. Mặc dù, mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Có thể nói rằng, trước những giải pháp đã và đang thực hiện, công tác chống ngập vẫn mang tính tạm thời. Về lâu dài TP Hồ Chí Minh cần thực hiện tổng thể các giải pháp theo quy hoạch đề ra, như: đầu tư đồng bộ hệ thống cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao, quy hoạch hạ tầng, xây dựng bản đồ số về các điểm ngập; triển khai nhanh các dự án thoát nước…

Theo như lãnh đạo TP, để chống ngập hiệu quả, việc chống ngập cần phải tìm nguyên nhân từng điểm ngập từ đó xây dựng kế hoạch xử lý lâu dài mới. Nghĩa là phải có nhạc trưởng thực hiện được đồng bộ quy hoạch, phải thể hiện được bức tranh về công tác chống ngập trước mắt và và lâu dài./.

PC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực