Thầy giáo trẻ tiếp lửa đam mê cho các em học sinh dân tộc Khmer

Thứ ba, 05/11/2019 18:34
(ĐCSVN) - Hơn 10 năm làm công tác giảng dạy tại trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng niềm vui của thầy Trí là được chứng kiến biết bao em học sinh tốt nghiệp và quyết định dấn thân vào ngành công nghệ thông tin.

“Sinh năm 1985, trong một gia đình có ba thế hệ công tác trong ngành giáo dục, bố tôi có 40 năm cống hiến trong ngành này, ông chính là người truyền nhiệt huyết và đam mê để tôi lựa chọn ngành sư phạm sau khi học xong THPT”. Thầy giáo Thạch Minh Trí chia sẻ.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp khoa Sư phạm Tin Học, trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, dù nhận được nhiều cơ hội làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại nhiều công ty lớn trên Sài Gòn nhưng chàng cử nhân Trạch Minh Trí vẫn lựa chọn trở về quê hương làm công tác giảng dạy tại Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Châu.

Thầy Trí mong muốn khai mở sự văn minh kỹ thuật số cho các em đồng bào quê mình

Anh Trí nhớ lại: “Đó là lần đầu tiên tôi bước vào ngôi nhà thứ hai của cuộc đời mình, đây cũng là ngôi trường tôi đã từng theo học, từng để lại biết bao kỷ niệm thời học trò. Ngôi trường không có tên riêng nhưng trong chính cái tên đã nói lên được điều đặc biệt - Ngôi trường dành riêng cho các em học sinh người dân tộc thiểu số, cụ thể hơn là trường dành cho con em đồng bào dân tộc Khmer của thị xã Vĩnh Châu”.

Anh Trí cho biết, ngoài truyền thống gia đình, chính mong mỏi được mang những kiến thức về công nghệ đã học được để giảng dạy cho các em học sinh dân tộc Khmer đã thôi thúc anh phải trở về. Bởi, ở thành phố thì các em học sinh được tiếp xúc rất sớm với bộ môn tin học, nhưng với các em ở Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Châu thì  bộ môn Tin học trong chương trình là một môn học khá mới.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường còn chưa đáp ứng, chưa đồng bộ hóa với phương pháp dạy học, điều kiện giảng dạy còn thiếu thốn, đa phần các em học sinh chỉ được học kiến thức dựa trên sách vở. Các em học sinh là đồng bào dân tộc, hoàn cảnh khó khăn nên các em không có điều kiện để được trang bị máy tính cá nhân, chính vì vậy bộ môn Tin học với các em là một thử thách rất lớn.

“Một tuần các em có 2 tiết học Tin học, quá ít để giúp các em nắm bắt kiến thức và biết ứng dụng, vì thế bản thân các em học sinh cũng không có hứng thú với môn học này. Thời gian đầu tôi đã muốn xin nghỉ dạy một lớp vì các em không hợp tác. Thế nhưng sau một thời gian tìm hiểu các em chia sẻ rằng do bộ môn này quá khó, và đây là môn không quan trọng, học xong cũng không sử dụng… điều đó khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn để tìm ra phương pháp dạy học mới, phù hợp với các em học sinh của từng khối lớp”. Anh Trí tâm sự.

Được sự quan tâm, ủng hộ của nhà trường, một phòng máy đáp ứng cho nhu cầu học tập và thực hành bộ môn Tin học đã được đầu tư và đưa vào sử dụng. Từ khi có phòng máy, bên cạnh các tiết học lý thuyết, các em được thực hành trên máy nhiều hơn, thầy có có sự trao đổi trực tiếp, khó ở đâu thầy sẽ hướng dẫn, nhờ vậy với các em học sinh dần yêu thích bộ môn này.

Em Thạch Thị Trúc Đào (lớp 8A) chia sẻ thêm: “Em rất thích học với thầy Trí, vì thầy hướng dẫn kỹ, có bài nào mà cả lớp không hiểu, hoặc sắp đến tiết kiểm tra, thầy đều dành thêm thời gian để dạy bổ túc cho chúng em những lúc trống tiết. Nhờ thầy Trí mà em và các bạn hiểu được môn Tin học rất hay, rất là có ích nếu sau này chúng em đi làm…”.

Hơn 10 năm làm công tác giảng dạy, chất lượng giáo dục bộ môn Tin học ở các lớp do thầy Thạch Minh Trí luôn đạt từ trên 98% học sinh đạt từ trung bình trở lên. Thầy cũng tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh làm phần mềm sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng đạt kết quả cao. Thầy Trí là người đã chứng kiến biết bao em học sinh tốt nghiệp và quyết định dấn thân vào ngành công nghệ thông tin, nhiều em còn tạo ra nguồn thu nhập bằng việc Youtube Blogger – một ngành mới của thời đại Digital hiện nay.

Cùng với công tác chuyên môn, thầy Trí cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện ở địa phương như đóng góp “Quỹ vì người nghèo”, “Chủ nhật xanh”…

Lãnh đạo Hội LHTN và lãnh đạo Tập đoàn Thiên Long thăm và trao quà của
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" cho thầy Trí 

Chia sẻ về những học sinh người dân tộc Khmer, thầy Thạch Minh Trí thể hiện rõ niềm vui, niềm tự hào, thầy nói: “Bản thân tôi cũng là con em người dân tộc, tôi hiểu rõ nỗi khổ, sự nghèo túng khó khăn của đồng bào tôi hơn ai hết. Chính vì thế, mục tiêu của tôi hiện tại là đem lại động lực giúp các em học hành nghiêm túc. Và tôi biết, chỉ có học là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công và thoát khỏi sự nghèo khó. Mà muốn trở thành người tiếp lửa cho học sinh không ai thích hợp hơn chúng tôi – người gõ đầu trẻ…”./.

Với những thành tích đó, thầy Thạch Minh Trí liên tục được công nhận “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền”; Giáo viên giỏi các cấp; Lao động tiên tiến; Chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo và nhiều Giấy khen của các cấp.

Năm 2019, thầy Trí cũng là một trong 63 thầy, cô giáo được Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tuyên dương./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực