Giữ vững danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Thứ sáu, 10/11/2017 22:48
(ĐCSVN) – Với hàng chục nghìn sáng chế phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp từ năm 1986 đến nay, nông dân Bùi Hữu Nghĩa ở ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Loang An đã trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu nông dân xuất sắc cho Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Bùi Hữu Nghĩa

Tôi có duyên được gặp Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Bùi Hữu Nghĩa trong dịp ông về Hà Nội tham gia Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam - 30 năm đổi mới do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mới đây. Đúng như tưởng tượng của tôi, người “kỹ sư của nông dân” có tên gọi thân thương Chín Nghĩa dáng người cao gầy dù mái tóc đã điểm bạc, nhưng tình yêu với những nghiên cứu, những sáng chế phục vụ cho nông nghiệp thì vẫn còn vẹn nguyên như những ngày đầu tiên.

Từ những năm 1986, khi Nhà nước có chính sách đổi mới, bản thân ông cũng nhận thấy cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phục vụ nhu cầu sản xuất của người nông dân là rất cần thiết. Tuy nhiên lúc đó mới đổi mới nên những loại máy móc, thiết bị phục vụ cho nông nghiệp còn khan hiếm; sản xuất chủ yếu là dùng sức lao động nên năng suất thấp, chưa kể tình trạng thời tiết gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của sản phẩm. “Gia đình tôi cũng không nằm ngoài những quy luật chung ấy. Tôi luôn mang trong mình ước mơ sẽ tự bản thân sáng chế ra được những chiếc máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện ước mơ cơ giới hóa đồng ruộng”. Ông Nghĩa bộc bạch.

Sau 4 năm (từ năm 1986 - 1990) tìm tòi, nghiên cứu, ông Nghĩa đã chế tạo thành công chiếc máy đầu tiên với tên gọi máy gặt xếp dãy. Khi đưa ra thử nghiệm máy hoạt động tốt, dù chưa thực sự được như ý, nhưng với sự động viên của bà con nông dân ông tiếp tục cải tiến để phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu về địa hình và cách thức gieo trồng của bà con nông dân. Năm 1992, Chín Nghĩa  đã khắc phục mọi nhược điểm của chiếc máy gặt xếp dãy phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Ông đã tự mình mang máy đi gặt thuê khắp vùng. Cái tên Chín Nghĩa chuyên sáng chế máy sản xuất nông nghiệp được nhiều nông dân biết đến. Nhờ có sự thành công của máy gặt xếp dãy, ông Nghĩa đã góp phần quan trọng giúp Long An trở thành tỉnh đi đầu trong việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Từ lúc cho trình làng máy gặt lúa xếp dãy, đơn hàng về xưởng cơ khí của ông tăng đột biến, mỗi ngày xưởng sản xuất của ông phải hoàn thiện 6 chiếc máy mới đủ đáp ứng nhu cầu của bà con.

Thấy đã giải quyết xong khâu gặt và xếp dãy cho công nhân thu dọn, nhà sáng chế nông dân Chín Nghĩa lại nghĩ đến khâu thu hạt. Ông chia sẻ: Hiện tốc độ đô thị hóa nhanh, thanh niên nông thôn có xu hướng đi làm việc tại các nhà máy hoặc ra các thành phố lớn làm việc, lao động ở khu vực nông thôn thiếu lao động, nên việc sáng chế ra máy gặt đập liên hợp thích nghi với địa hình vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết.

Năm 2000, máy vừa hoàn thành, lãnh đạo HTX Suối Hiệp ở tỉnh Khánh Hòa đã vào tìm đặt 3 chiếc mang về. Sau đó Chín Nghĩa đã sản xuất thêm 300 chiếc để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của bà con nông dân trong vùng.

Với những thành tích xuất sắc trong sáng chế, sáng tạo, góp phần không nhỏ vào sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nhiều vùng khác nói chung, nông dân Bùi Hữu Nghĩa đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2002.

Sáng chế không nghỉ

“Khi Đảng, Nhà nước cũng như tỉnh Long An có chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bản thân tôi suy nghĩ, mình được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, phải làm sao để giữ gìn và phát huy được danh hiệu cao quý này. Tôi lại suy nghĩ, tìm tòi nghiên cứu một loại máy nhiều công năng hơn phục vụ khâu sản xuất nông nghiệp” - ông Nghĩa tâm sự.

Ông Nghĩa (áo trắng) và công nhân tại xưởng cơ khí của mình- ảnh: Báo Long An

Là nông dân nên ông biết người nông dân cần gì. Do đó, khi đã sáng chế ra máy cày, máy bừa, máy gặt xếp dãy…, ông lại nghĩ những lúc chăm sóc cho lúa như phun thuốc trừ cỏ, người nông dân vẫn chủ yếu sử dụng sức người, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Vì thế ông đã nghĩ đến việc cơ giới hóa việc bón phân, phun thuốc để bà con đỡ mệt.

Đó cũng chính là lý do ông cho ra đời chiếc máy “3 trong 1” vừa đảm nhận việc gieo trồng, phun thuốc, bón phân sau nhiều đêm trằn trọc mất ngủ để sửa bản thiết kế cho phù hợp. Đầu năm 2017, chiến máy “3 trong 1” ra đời, đã có 16 chiếc máy được xưởng cơ khí của ông Nghĩa sản xuất cung cấp cho bà con nông dân trong vùng.

Ông cười bảo: "Dù hiện giờ các loại máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú hơn, nhưng khi nhìn lại hơn 10.000 sáng chế của mình đã được đưa vào sử dụng, tôi vẫn luôn trào dâng niềm tự hào".

Hiện ông đang cho thử nghiệm bộ phận đào đường thoát nước, thoát phèn trên đồng ruộng. Từ năm 1989 - 1991, tỉnh Long An triển khai cấp đất cho nông dân khai hoang lấp kín Đồng Tháp Mười (khu vực Long An). Những cánh đồng lớn đã xuất hiện với hàng chục, hàng trăm ha. Vì đất khá rộng lớn, mặt ruộng chưa san lấp bằng phẳng, lại chưa rửa hết phèn nên trên những cánh đồng này, khi trồng lúa vẫn còn ngập úng, xì phèn gây hư hại. Để thoát phèn, thoát nước, bà con nông dân phải thuê nhân công đào rãnh khá tốn kém. Ông Chín Nghĩa cho biết, với bộ phận đào rãnh này, bà con sẽ gắn vào máy cày, máy sẽ đào đường thoát nước khá nhanh và ít tốn kém hơn nhiều so với việc thuê nhân công đào bằng tay. 

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Bùi Hữu Nghĩa bộc bạch: “Cái nghiệp cơ khí như thấm vào máu của tôi. Trong rất nhiều sáng chế do mình sáng tạo ra, đâu phải cái nào cũng phát huy hết hiệu quả, công dụng của nó mà phải trải qua quá trình thử nghiệm trên đồng ruộng mình đúc kết nhiều để cho ra được sản phẩm tối ưu nhất”. Cho đến tận bây giờ, dù bước qua tuổi 60, người đàn ông này vẫn cặm cụi sáng tạo, tìm giải pháp giúp nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Năm 2017, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Bùi Hữu Nghĩa vinh dự được là một trong 87 nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh, khen thưởng. Với ông đây là phần thưởng, đồng thời cũng là động lực để ông tiếp tục trau dồi kiến thức, phát huy trí tuệ nghiên cứu ra nhiều loại máy phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp ngày càng cao của bà con nông dân.

Ông cũng thông tin: Hiện nay có rất nhiều nông dân từ kinh nghiệm thực tiễn sản xuất đã nghiên cứu, sáng chế ra các loại máy móc phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Vì thế, theo ông, các cấp, các ngành có liên quan cần phát hiện sớm, có chính sách cụ thể, khả thi giúp đỡ các nhà “sáng chế nông dân” để họ có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp công nghệ cao./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực