WHO kêu gọi tăng cường đầu tư cho sức khỏe tâm thần

Thứ sáu, 08/06/2018 15:26
(ĐCSVN) – Bản đồ sức khỏe tâm thần năm 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy mặc dù nhiều quốc gia đã đạt được tiến bộ trong việc phát triển và hoạch định chính sách sức khỏe tâm thần, thì vẫn tồn tại tình trạng thiếu các nhân viên y tế được đào tạo về sức khỏe tâm thần và thiếu đầu tư vào các dịch vụ sức khỏe tâm thần cộng đồng.
Một phụ nữ đứng trước bản vẽ mô tả mặt trời nhân dịp kỷ niệm Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (Ảnh: UN)

Theo Tiến sĩ Shekhar Saxena, Giám đốc Cơ quan sức khỏe tâm thần và lạm dụng ma túy của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ấn bản mới nhất của Bản đồ sức khỏe tâm thần cung cấp cho chúng ta những bằng chứng cho thấy sự gia tăng nguồn lực cho sức khỏe tâm thần không đủ nhanh. Không đầu tư khẩn cấp cho sức khỏe tâm thần sẽ gây ra tổn thất về y tế, xã hội và kinh tế ở mức độ mà chúng ta hiếm khi thấy trước đây.

Bản đồ sức khỏe tâm thần thế giới cung cấp thông tin về sự tồn tại của các chính sách, kế hoạch và pháp luật về sức khỏe tâm thần và sự liên kết của chúng với các công cụ nhân quyền được thiết lập; nguồn nhân lực và tài chính có sẵn; loại cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc; và các chương trình sức khỏe tâm thần để phòng ngừa và nhận thức.

Tài liệu này được xây dựng dựa trên dữ liệu do 177 quốc gia thành viên của WHO, chiếm 97% dân số thế giới, cung cấp. Nó đánh giá mức độ mà các nước đang tăng cường lãnh đạo và quản trị về sức khỏe tâm thần; cung cấp chăm sóc sức khỏe tâm thần và chăm sóc xã hội toàn diện; thực hiện chiến lược để thúc đẩy các vấn đề sức khỏe tâm thần và phòng ngừa, và tăng cường các dữ liệu và nghiên cứu – như được nêu trong Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về Sức khỏe tâm thần 2013 –2020.

Theo nghiên cứu, ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần có thể thấp, chỉ 2 người trên 100.000 dân, so với hơn 70 người trên 100.000 dân ở các nước có thu nhập cao. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhu cầu, vì ước tính rằng trong mọi hoàn cảnh, cứ 10 người thì có 1 người cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần. Không những thế, chưa đầy một nửa trong số 139 quốc gia đã phát triển các chính sách và kế hoạch y tế tâm thần xem xét tầm quan trọng của việc chuyển các tổ chức tâm thần sang các dịch vụ dựa vào cộng đồng và sự tham gia của những người bị rối loạn tâm thần vào các quyết định ảnh hưởng đến họ. Và khi các kế hoạch sức khỏe tâm thần được phát triển, chúng không được hỗ trợ đầy đủ bởi nguồn lực tài chính và con người.

Mặc dù một số nước có thu nhập cao đã có sự chuyển đổi sang các dịch vụ tâm thần tại các bệnh viện đa khoa và thành lập các trung tâm chăm sóc cộng đồng song vẫn có quá ít cấu trúc cộng đồng để chăm sóc sức khỏe tâm thần trên thế giới. Tổng tỷ lệ giường bệnh ở các bệnh viện tâm thần cao gấp 6 lần (11,3 trên 100.000 dân) so với số giường trong các dịch vụ tâm thần tại các bệnh viện đa khoa.

Chi tiêu công cho sức khỏe tâm thần rất thấp ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Chi tiêu công cho sức khỏe tâm thần thấp hơn 1 USD bình quân đầu người ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong khi các quốc gia có thu nhập cao chi hơn 80 USD. Phần lớn chi tiêu là dành cho các bệnh viện tâm thần, phục vụ một tỷ lệ nhỏ những người cần được chăm sóc.

Ngoài ra, hơn 2/3 các quốc gia báo cáo rằng việc chăm sóc và điều trị những người bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng không được bao gồm trong hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia hoặc hệ thống hoàn trả.

WHO ước tính rằng gần 800.000 người tự tử mỗi năm. Mặc dù số lượng các quốc gia báo cáo có chiến lược phòng chống tự tử tăng kể từ Bản đồ sức khỏe tâm thần năm 2014 song vẫn chỉ có 1/3 các quốc gia có thu nhập trung bình và cao báo cáo có chiến lược như vậy, và 10% các nước có thu nhập trung bình có chiến lược này.

Theo WHO, mỗi đồng đô-la đầu tư vào điều trị các bệnh tâm thần phổ biến như trầm cảm và lo lắng sẽ giúp thu lại 4 đô-la về sức khỏe và năng lực làm việc.

Theo phân tích gần đây về chi phí điều trị và kết quả sức khỏe ở 36 quốc gia có thu nhập thấp, trung bình và cao, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2030, tình trạng tiếp cận kém với các dịch vụ chăm sóc trầm cảm và lo âu đã dẫn đến thiệt hại về kinh tế thế giới 1.000 tỷ USD mỗi năm./.

Khánh Linh (Theo UN, WHO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực