Thế giới tuần qua: Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu

Chủ nhật, 21/10/2018 13:52
(ĐCSVN) – Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12), Ủy ban châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, ASEAN tăng cường hợp tác chống khủng bố và an ninh biển, hai miền Triều Tiên hoàn tất rà phá bom mìn, thảm sát tại trường học ở Crimea,… là những sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần qua (15 - 21/10).

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới chia buồn về vụ tấn công đẫm máu ở Crimea

Nội các mới của Ethiopia có 50% thành viên là phụ nữ

Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương

Hai miền Triều Tiên và Bộ tư lệnh Liên hợp quốc thảo luận về giải giáp biên giới liên Triều

Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12)

Tối 18/10 (theo giờ địa phương), Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ. Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo cấp cao của 53 thành viên Diễn đàn hợp tác  Á – Âu (ASEM), gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn ASEM chụp ảnh chung,
sáng 19/10/2018, tại phiên họp toàn thể thứ hai (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”, Hội nghị ASEM 12 – Cấp cao đầu tiên trong thập niên phát triển thứ ba của Diễn đàn – có ý nghĩa quan trọng nhằm đề ra định hướng, tầm nhìn hợp tác ASEM trong thập kỷ mới trên cả ba trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Sau hai ngày làm việc khẩn trương, chiều ngày 19/10/2018, Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch, khẳng định quyết tâm của các thành viên ASEM tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, đồng thời đề ra những định hướng nâng tầm hợp tác ASEM trong thời gian tới. Thành công của Hội nghị Cấp cao đã tạo những động lực mới cho quan hệ đối tác năng động và gắn kết Á – Âu, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ASEM trong cục diện đang định hình.

Đối với Việt Nam, trong triển khai đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Diễn đàn ASEM tiếp tục là cơ chế hợp tác liên khu vực quan trọng để thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về kinh tế, phát triển và an ninh cũng như nâng cao vị thế của đất nước.

Ủy ban châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Trưa 17/10, giờ địa phương, Ủy ban châu Âu đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), để dự kiến vào cuối năm 2018 sẽ ký chính thức Hiệp định này và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế
của Nghị viện châu Âu (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chiều 17/10 cùng ngày, Ủy ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này đi vào thực thi trong thời gian sớm nhất.

Đây là kết quả của cả quá trình phối hợp tích cực các nỗ lực về chính trị, đối ngoại, đàm phán, hợp tác, đấu tranh của cả hai bên, là tin vui cho toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Việc Ủy ban Châu Âu thông qua EVFTA ngay trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12), nơi quy tụ sự tham dự của nguyên thủ 53 quốc gia châu Á và châu Âu là một thông điệp mới, mạnh mẽ và là hành động cụ thể khẳng định với cộng đồng quốc tế về nỗ lực đẩy mạnh kết nối, hợp tác liên khu vực giữa châu Âu và châu Á.

ASEAN tăng cường hợp tác chống khủng bố và an ninh biển

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 12 ngày 19/10, các Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN đã nhất trí tăng cường hợp tác chống khủng bố và an ninh biển với nhiều sáng kiến thiết thực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.


Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam ký Tuyên bố ADMM-12
(Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)

Các Bộ trưởng nhất trí thiết lập mạng lưới chuyên gia quốc phòng về vũ khí hóa học, sinh học và phóng xạ cũng như cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh chống khủng bố trên cơ sở chia sẻ trong hợp tác quốc phòng và quân đội, tăng cường phối hợp diễn tập chung trên biển và trên không để giảm thiểu thiệt hại không đáng có và không làm căng thẳng leo thang. Mặt khác, nhất trí tập trung triển khai sáng kiến "Our Eyes" (Đôi mắt của chúng ta) về chia sẻ thông tin tình báo trong khu vực cũng như ban hành tập hợp các hướng dẫn về không quân đa phương đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý các sự cố trên không, đặt biệt là ở các khu vực tranh chấp.

Các Bộ trưởng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh chung. Trong bối cảnh cục diện chiến lược đang có những chuyển động nhanh chóng, các Bộ trưởng nhấn mạnh rằng ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các đối tác lớn để duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.

Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã đưa ra Tuyên bố chung khẳng định cam kết giữ hòa bình và ổn định trong khu vực đồng thời nhấn mạnh tăng cường hợp tác để đối phó các thách thức an ninh hiện nay.

* Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 5 cũng diễn ra tại Singapore vào ngày 20/10. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 nước đối thoại bao gồm Nga, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng để phòng ngừa, đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố cũng như củng cố các biện pháp xây dựng lòng tin thực chất và hiểu biết giữa các bên.

Hai miền Triều Tiên hoàn tất rà gỡ bom mìn

Hai miền Triều Tiên đã hoàn thành những bước cuối cùng trong hoạt động rà gỡ bom mìn tại khu vực an ninh chung thuộc khu phi quân sự (DMZ). Đây là một phần trong thỏa thuận liên Triều hồi tháng 9 nhằm biến khu vực này trở thành một “vùng an toàn” và ngừng mọi hành động thù địch chống lại nhau.

Quân đội Hàn Quốc tiến hành rà gỡ bom mìn (Ảnh cắt từ video của Vnews)

Trước đó, ngày 16/10, Triều Tiên, Hàn Quốc và Bộ tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) đã tiến hành hội nghị ba bên lần đầu tiên để thảo luận về các biện pháp giải giáp khu vực biên giới liên Triều trong bối cảnh hai miền Triều Tiên đang theo đuổi các mục tiêu thiết lập hòa bình trên bán đảo này.

Bên cạnh hoạt động rà gỡ bom mìn, hai miền Triều Tiên còn dự kiến rút vũ khí khỏi khu vực an ninh chung (JSA) tại làng đình chiến Panmunjom, cắt giảm số lượng binh sỹ đồn trú tại khu vực này xuống còn 35 người mỗi bên theo tinh thần của thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời chia sẻ thông tin về các thiết bị giám sát mà mỗi bên đang vận hành. Theo thỏa thuận đã đạt được, các du khách nước ngoài và hai miền Triều Tiên sẽ được phép tự do đi lại trong JSA.

Các hoạt động trên được kỳ vọng sẽ giúp đưa biên giới liên Triều trở thành một khu vực của “hòa bình và hòa giải”.

Nội các của Ethiopia có 50% thành viên là phụ nữ

Nhà lãnh đạo theo đường lối cải cách – Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã đề cử một danh sách nội các mới của Chính phủ. Theo đó, từ 28 vị trí trong nội các cũ, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã rút gọn lại còn 20 thành viên, trong đó có tới 50% là nữ giới. Trước đây, trong 28 thành viên nội các chỉ có 5 người là nữ. Trong số các thành viên nội các mới là nữ, bà Aisha Mohammed  trở thành nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước này.


Bà Aisha Mohammed, nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Ethiopia
(Ảnh: Getty Images/AFP)

Quyết định thay đổi thành viên nội các được đưa ra trong bối cảnh Ethiopia đang tiến hành một loạt cải cách chính trị và kinh tế sâu rộng kể từ khi Thủ tướng Abiy (42 tuổi) lên nắm quyền vào tháng 4 vừa qua, sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

Với nhân sự chính phủ nói trên, Ethiopia sẽ gia nhập nhóm các quốc gia, trong đó phần lớn là ở châu Âu, nơi nữ giới chiếm tỷ lệ đến 50% hay thậm chí cao hơn trong chính phủ.

Thảm sát tại trường học ở Crimea

Ngày 17/10, một sinh viên – được nhận diện là Vladislav Roslyakov, 18 tuổi đã xả súng và kích hoạt thiết bị gây nổ tại trường cao đẳng Kerch trên bán đảo Crimea rồi sau đó tự sát. Theo thống kê, vụ tấn công đã khiến 20 người thiệt mạng (gồm cả hung thủ) và 50 người khác bị thương. Đây được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử Crimea, kể từ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo này vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.

Người dân thắp nến cầu nguyện cho những người thiệt mạng trong vụ thảm sát (Ảnh: TASS)

Ban đầu, các nhà chức trách đã nghiêng về giả thuyết cho rằng đây là một vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, sau đó, vụ tấn công này đã được xác định là một hành động giết người hàng loạt.

Từ ngày 18/10, người dân trên bán đảo Crimea bắt đầu 3 ngày để tang những người thiệt mạng trong vụ tấn công. Cũng trong ngày 18/10, các nhà chức trách Crimea đã công bố bản danh sách 19 người thiệt mạng trong vụ tấn công, không bao gồm hung thủ.

Sau khi xảy ra vụ thảm sát đẫm máu ở Crimea, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình những nạn nhân.

Cựu Phó Thủ tướng Malaysia chính thức bị buộc tội

Ngày 19/10, Tòa án sơ thẩm Kuala Lumpur đã chính thức buộc tội cựu Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi với 45 tội danh theo Đạo luật Ủy ban chống tham nhũng (MACC) 2009 và Đạo luật chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và kiếm tiền từ các hoạt động bất hợp pháp (AMLATFAPUAA) 2001.

Cựu Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi phát biểu với báo giới

tại Kuala Lumpur ngày 14/5/2018 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Zahid - hiện đang giữ chức Chủ tịch đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) đối lập, phải đối mặt với 27 tội danh về rửa tiền, 10 tội danh về lạm dụng tín nhiệm và 8 tội danh về tham nhũng liên quan đến tổng số tiền 111 triệu ringgit (26,6 triệu USD).

Tuy nhiên, ông Zahid đã bác bỏ tất cả 45 tội danh trên. Ông hiện đang được tại ngoại sau khi nộp 2 triệu ringgit tiền bảo lãnh. Phiên tòa tới sẽ diễn ra vào ngày 14/12.

Ông Hamidi là cựu quan chức cấp cao mới nhất của Malaysia và là một trong những thành viên của UMNO bị bắt do cáo buộc tham nhũng kể từ sau cuộc bầu cử Hạ viện tại nước này hồi tháng 5 vừa qua. Trước đó, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak, người từng là Chủ tịch UMNO, cùng vợ ông là bà Rosmah Mansor đã bị bắt giữ do dính líu đến vụ bê bối tham nhũng nhiều tỷ USD tại Quỹ Đầu tư nhà nước 1Malaysia (1MDB)./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực