Nhật Bản thông qua dự luật thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Thứ tư, 20/11/2019 16:06
(ĐCSVN) – Ngày 20/11, Nhật Bản đã thông qua một dự luật nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng việc thành lập một cơ quan chuyên trách có nhiệm vụ giải quyết các thủ tục xuất khẩu nông sản và đàm phán với các đối tác nhằm hợp lý hóa hoạt động xuất khẩu.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. (Nguồn: lifelines-india.net) 

Theo đó, luật thúc đẩy xuất khẩu nông sản sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2020. Cơ quan chuyên trách này do Bộ Nông nghiệp điều hành, dưới sự giám sát của Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Y tế, có nhiệm vụ xử lý các công việc vốn thường được các bộ, cơ quan khác nhau của Chính phủ giải quyết trong nỗ lực Chính phủ Nhật Bản đang muốn cắt giảm thời gian xử lý xuất khẩu.

Cơ quan này sẽ đàm phán nhằm dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu mà các nước khác áp đặt lên một số sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản sau khủng hoảng hạt nhân Fukushima. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ quản lý hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm, hay đề ra lộ trình theo dõi những tiến bộ đạt được trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thông qua việc tăng cường các biện pháp như thiết lập thêm các cơ sở chế biến thịt bò đáp ứng được các tiêu chuẩn nhập khẩu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). 

Các sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản nếu muốn thâm nhập vào Mỹ hoặc EU phải được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo Hệ thống Phân tích Mối nguy và Điểm kiểm soát tới hạn. Các cuộc kiểm tra an toàn tại Nhật Bản phải được Bộ Y tế và chính quyền các tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, luật mới sẽ cho phép các tổ chức tư nhân tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm nếu các tổ chức này đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định.

Một điều khoản mới sẽ được bổ sung, cho phép các Bộ trưởng và Tỉnh trưởng cấp giấy chứng nhận xuất khẩu theo yêu cầu của các nước khác như giấy chứng nhận vệ sinh hay nguồn gốc xuất xứ.

Năm 2018, xuất khẩu nông sản của Nhật Bản đã tăng kỷ lục, đạt 906,8 tỷ yen (8,35 tỷ USD), trong đó Hồng Kông (Trung Quốc) là khách hàng nhập khẩu nông sản lớn nhất của Nhật Bản, tiếp theo đó là Trung Quốc và Mỹ. Hiện, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu lên 1.000 tỷ yen năm 2019. Tuy nhiên, 23 quốc gia khác vẫn tiếp tục hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ tỉnh Fukushima và các khu vực lân cận sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 năm 2011./.

Hoài Hà (Theo The Mainichi, japantimes.co.jp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực