Hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh, quan hệ Mỹ - Triều trở về trạng thái cũ

Thứ bảy, 26/05/2018 09:13
(ĐCSVN) - Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã huỷ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên dự kiến vào ngày 12/6 tới ở Singapore. Trước đó, Triều Tiên cũng đưa ra tuyên bố hoãn cuộc gặp này.

Thông qua bức thư gửi ông Kim Jong-un, ông Trump viện dẫn lý do về thái độ thù địch từ phía Triều Tiên. Ông Trump cũng “lấy làm tiếc” vì “thế giới mất đi một cơ hội tuyệt vời cho hoà bình bền vững”, rằng Mỹ sẵn sàng nối lại cuộc gặp chừng nào Triều Tiên “thay đổi quan điểm”. Ông Trump cũng không quên đe dọa quân sự đối với Triều Tiên, khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan ngại.

Tổng thống Mỹ D. Trump. (Ảnh: Korean Times)

Từ thiếu hụt lòng tin…

Ngay sau khi có những bước đi đầu tiên mang tính đột phá của cả bên Mỹ - Triều, Washington và Bình Nhưỡng đều đã tính đến khả năng cuộc gặp cấp cao sẽ không diễn ra như dự định do quan điểm, thái độ của phía bên này hay bên kia xuất phát từ tính nhạy cảm của vấn đề mà mỗi bên không thể bỏ qua.

Theo giới quan sát, trong quá trình chuẩn bị việc xúc tiến bàn thảo ở cấp chuyên viên đã xuất hiện những bất đồng quan điểm mang tính cơ bản khó giải quyết, hoặc thiếu tôn trọng lẫn nhau. Và khi chưa thật sự tin tưởng vào nhau thì cuộc gặp ngày 12/6 sẽ không còn ý nghĩa.

Hai bên có thể dễ dàng nhất trí với nhau về mục tiêu “phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên” nhưng rõ ràng là chưa có được sự đồng thuận quan điểm, nhận thức  về phi hạt nhân hoá như thế nào và các bước đi cụ thể ra sao.

Ở cấp chuyên viên, phía Mỹ đã vội đe dọa Triều Tiên theo mô hình Libya trái với tuyên bố của Tổng thống D. Trump trước đó rằng, ông loại bỏ khả năng này.

Mặt khác, Triều Tiên lo ngại cho số phận của thỏa thuận Mỹ - Triều về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên (nếu có) sẽ giống như JCPOA – Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1.

Đến nghi ngại lẫn nhau…

Quá trình chuẩn bị về nội dung cho cuộc gặp, Mỹ - Triều đã không đạt được sự nhất trí cần thiết về giải pháp cho vấn đề mấu chốt nhất là chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng như sự đảm bảo an ninh cho nước này.

Trong nội bộ chính quyền của ông D. Trump hiện có bất đồng quan điểm rất rõ nét và khá sâu sắc về cả Triều Tiên lẫn Iran và việc huỷ cuộc gặp cấp cao ở Singapore là cách tốt nhất để có thêm thời gian tìm ra chiến lược, sách lược và cách tiếp cận đồng thời của Mỹ với Teheran và Bình Nhưỡng, nhất là các bước đi cụ thể.

Theo giới quan sát, cả hai bên đều chủ động chuẩn bị dư luận cho trường hợp cuộc gặp không được tiến hành như đã dự định, thì định hướng cho dư luận tin rằng, đó là lỗi ở phía bên kia. Mặt khác, cả hai bên đều có dụng ý để ngỏ khả năng xấu có thể xảy ra nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán với đòi hỏi đối phương phải nhượng bộ nhiều hơn.

Trên thực tế, giới chức Mỹ lên tiếng áp đặt điều kiện buộc Triều Tiên phải chấp nhận và thậm chí còn dọa nạt, cho rằng Mỹ hiện đang ở thế mạnh nên có thể hành xử cứng rắn đối với Triều Tiên, đặc biệt là đề cập đến cái gọi là mô hình giải pháp Libya.

Theo quan điểm của giới chức Mỹ, không có việc Triều Tiên đàm phán với Mỹ mà chỉ là Triều Tiên chấp nhận những điều kiện do Mỹ đưa ra. Theo đó, khi ông Trump mới đề cập đến khả năng cuộc gặp bị hoãn lại, thì phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã úp mở là có thể huỷ bỏ cuộc gặp.

Còn phía Triều Tiên đã đưa ra lời lẽ cứng rắn trước rằng sẽ huỷ cuộc gặp, mặc dù tuyên bố này mới chỉ ở cấp thứ trưởng ngoại giao. Tuy nhiên, ngày 25/5, Hãng KCNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Kim Kye-gwan tuyên bố, Triều Tiên đánh giá quyết định của Tổng thống Mỹ D. Trump là “vô cùng đáng tiếc”, song khẳng định, nước này vẫn luôn mở cửa cho đối thoại, mở cửa cho mọi ý định giải quyết các bất đồng “vào bất kỳ thời điểm nào và dưới bất kỳ hình thức nào”.

Thách thức lẫn nhau…

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh, Phó Tổng  thống Mike Pence đã cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mắc “sai lầm lớn” nếu muốn “thử” hay “bỡn cợt” với Washington. Ngược lại, ông Pompeo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ lại bày tỏ “vô cùng hy vọng”  Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra.

 

Ngày 24/5, phía Triều Tiên đã đáp trả tuyên bố của ông Mike Pence và gọi phát ngôn của ông này là “ngu ngốc”. Hãng KCNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui nhắc lại đe dọa hủy cuộc gặp Thượng đỉnh sắp tới.

 

Bà Choe Son-hui nêu rõ: “Bình Nhưỡng sẽ không bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán vì những đe dọa từ giới chức Washington. Chúng tôi sẽ không cầu xin Mỹ đối thoại hay cố thuyết phục Mỹ nếu họ không muốn ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên”. Triều Tiên khẳng định số phận của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới là hoàn toàn phụ thuộc vào Washington.

 

Trong khi đích thân ông D. Trump tuyên bố đảm bảo an toàn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lại nhắc tới kịch bản Libya.

 

Có thể thấy, Tổng thống D. Trump trong những tuần gần đây đã dùng những lời lẽ có vẻ ôn hòa “cởi mở” và “vô cùng chính trực” khi nhắc tới ông Kim Jong-un, nhằm đưa nhà lãnh Triều Tiên tới cuộc gặp thượng đỉnh.

 

Nhưng trên thực tế, trong cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in khi ông Moon tới thăm Washington hồi đầu tuần, ông Trump đã nhắc tới quan ngại của mình về số phận của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

 

Tổng thống Mỹ còn cho rằng, cuộc gặp mới đây giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dẫn tới thái độ cứng rắn bất ngờ của Bình Nhưỡng. Trong khi phía Trung Quốc vẫn khẳng định: “Nếu Mỹ muốn hòa bình với Triều Tiên và muốn làm nên lịch sử thì đây chính là thời điểm để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều chưa từng có”.

 

Được biết, ngay từ đầu Tổng thống D. Trump đã chuẩn bị một đội ngũ cứng rắn để đàm phán với Triều Tiên. Ngoại trưởng Pompeo từng khẳng định: “Một thỏa thuận tồi không phải là lựa chọn của Mỹ”.

 

Hãng CNN dẫn lời ông Pompeo rằng: “Mục tiêu của Mỹ sẽ không thay đổi cho đến khi chúng tôi thấy các bước đi cụ thể để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được trên Bán đảo Triều Tiên”.

 

Và phản ứng của dư luận

 

Ngay sau tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp Mỹ - Triều ở Singapore dự kiến tổ chức vào ngày 12/6, dư luận quốc tế đều lấy làm tiếc và kêu gọi các bên cần kiềm chể để nắm lấy cơ hội mang lại hòa bình cho khu vực Đông bắc Á này.

 

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu bày tỏ “quan ngại sâu sắc vì quyết định hủy bỏ cuộc gặp đã được lên kế hoạch tại Singapore giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”. Ông nói: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ nguy hiểm… trong một thế giới đang ngày càng phức tạp hơn”.

 

Tiếp đó, nhiều nước nhất là các nước lớn trên thế giới như: Pháp, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia… đều tuyên bố lấy làm tiếc, một cơ hội bị bỏ qua và cho rằng, các nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cần phải được tiếp tục và vào thời điểm quan trọng hiện nay, và LHQ cần phải thể hiện vai trò của mình.

 

Bà Beatrice Fihn, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2017, đứng đầu Chiến dịch quốc tế nhằm hủy bỏ vũ khí hạt nhân kêu gọi công đồng quốc tế không nên chỉ trông chờ vào Mỹ. Theo bà, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn có thể tham gia Hiệp ước và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

 

Ngay đêm 24/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các quan chức tình báo hàng đầu, cũng như Bộ trưởng Bộ Thống nhất nước này. Theo Người phát ngôn phủ Tổng thống Kim Eui-kyeon, Hàn Quốc đang tìm hiểu ý định của Tổng thống D. Trump là gì cũng như ý nghĩa của quyết định này.

 

Như vậy, hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều chính thức bị hủy bỏ, dư luận quốc tế không khỏi tiếc nuối khi những thành quả ngoại giao đã tạo ra bước đột phá quan trọng, đưa hai bên thù địch đến bàn đàm phán. Lòng tin giữa hai bên chưa được xác lập, khiến nguy cơ “cuộc chiến hủy diệt” có thể tái khởi động.

 

Tuy nhiên, theo giới phân tích, bên cạnh những hành xử cứng rắn hai bên vẫn bỏ ngỏ khả năng trở lại bàn đàm phán. Vì thế, cơ hội hòa bình trong khu vực vẫn còn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực