Hàn Quốc nêu quan điểm về giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Thứ năm, 22/02/2018 16:32
(ĐCSVN) – Ngày 21/2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu quan điểm khẳng định các vòng đối thoại liên Triều và các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên chính là các “trụ cột chính” của bất kỳ một vòng đàm phán nào về giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha. (Ảnh: Yonhap)


Cũng trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm hướng tới một sự nhất trí chung trên phạm vi toàn cầu về tính cần thiết của việc thiết lập một mối liên hệ giữa cải thiện các mối liên hệ với Triều Tiên và giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Những mục tiêu này là một phần trong các chính sách sẽ được Bộ Ngoại giao Hàn Quốc theo đuổi trong năm 2018 và đã được trình lên Quốc hội.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực để bước vào một vòng đàm phán toàn diện trong khi vẫn duy trì các vòng đối thoại liên Triều cùng các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên với vai trò là những trụ cột chính... Chúng tôi sẽ tìm kiếm một sự đồng thuận chung từ phía cộng đồng quốc tế về tính cần thiết của việc đưa ra một giải pháp mà theo đó, các nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều có thể được chuyển hóa thành việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên” – Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ.

Thông điệp của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định, nếu như các vòng đối thoại được khởi động dựa trên một tinh thần nghiêm túc, thì cơ quan này sẽ thảo luận với các nước liên quan về cách thức phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách toàn diện, thông qua từng bước một cũng như việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cũng chia sẻ lập trường trên và nhấn mạnh thêm rằng, các vòng đối thoại liên Triều cần diễn ra đồng thời với các vòng đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Từ đó, bà Kang Kyung-wha đã hối thúc Mỹ và Triều Tiên gặp gỡ trong thời gian sớm nhất có thể nhằm mở đường cho một vòng đối thoại toàn diện về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. “Để chấm dứt tình cảnh hiện nay, chính phủ sẽ theo đuổi các nỗ lực thông qua nhiều kênh khác nhau nhằm thuyết phục Triều Tiên đồng ý ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận chi tiết với Mỹ về khả năng nối lại các vòng đối thoại song phương” – quan chức ngoại giao Hàn Quốc nói.

Bầu không khí hòa giải đã được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang và mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sang thăm Triều Tiên để mở đường cho việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 sau nhiều năm mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên bị đẩy vào trạng thái căng thẳng.

Cho tới nay, Tổng thống Hàn Quốc vẫn chưa chính thức chấp nhận lời mời của Triều Tiên, tuy nhiên, nhà lãnh đạo này được cho là đã đặt nhiều kỳ vọng vào việc thiết lập những điều kiện cần thiết để hiện thực hóa việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, đồng thời kêu gọi Triều Tiên theo đuổi những nỗ lực tích cực để nối lại đối thoại với Mỹ. Hiện dư luận đang tập trung vào việc liệu Mỹ và Triều Tiên có thể cùng ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Về phía Mỹ đã để ngỏ khả năng này và khẳng định việc khởi động các vòng đàm phán hiện phụ thuộc vào quyết định của Triều Tiên. Tuy nhiên, kịch bản này cũng được cho là khó trở thành hiện thực bởi Triều Tiên vẫn khẳng định rõ quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên kế hoạch gặp gỡ trong thời gian cùng tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang tại Hàn Quốc. Ông Pence cho biết, nếu có tham gia vào bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với Triều Tiên, thì ông sẽ phát đi một thông điệp chung nhằm kêu gọi Triều Tiên từ bỏ “một lần và mãi mãi” tham vọng hạt nhân, tên lửa mà nước này đang theo đuổi. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Triều Tiên hủy bỏ vào phút chót. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nhận định, việc Triều Tiên rút khỏi đề xuất đối thoại với Mỹ là một động thái nhằm phản kháng trước chính sách kiên định của Mỹ yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa./.

Thu Lan (Theo Yonhap, NHK)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực