Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung liệu có hạ nhiệt?

Thứ sáu, 17/08/2018 17:58
(ĐCSVN) - Ngày 16/8, Tân Hoa xã cho biết, một phái đoàn Thương mại Trung Quốc do Thứ trưởng Wang Shouwen dẫn đầu sẽ tới Mỹ vào cuối tháng 8 này để đàm phán về thương mại, nhằm nỗ lực xoa dịu căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất và thứ hai thế giới hiện nay. Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế quốc gia Mỹ đã xác nhận nguồn tin trên.
Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại vào cuối tháng 8. Ảnh: CBS News


Chủ động xuống thang

Được biết, theo kế hoạch, vòng đàm phán thương mại mới sẽ được tổ chức theo lời mời từ phía Mỹ. Tham gia đàm phán, gồm có đại diện Mỹ là Thứ trưởng Tài chính David Malpass phụ trách vấn đề quốc tế; đại diện Trung Quốc là Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen.

Đây là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên ở cấp thấp kể từ khi các cuộc thương lượng hồi đầu tháng 6 bị đổ vỡ. Trung Quốc tuyên bố sẽ không chấp nhận các biện pháp đơn phương nhưng hoan nghênh vòng đối thoại mới.

Mặc dù vẫn chưa chắc chắn vòng đàm phán sắp tới sẽ có kết quả như mong muốn, bởi quan điểm của hai bên vẫn còn có sự khác biệt lớn trong những vấn đề quan trọng như: nguyên nhân thâm hụt thương mại, chính sách của Bắc Kinh với các công ty công nghệ của Washington, cùng tham vọng công nghệ “Made in China 2025”.

Tổng thống Mỹ D.Trump hiểu rõ chiến tranh thương mại sẽ khiến các bên cùng thiệt hại, nhưng ông cho rằng, Mỹ không chịu thiệt hại quá nặng nề, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Vài giờ sau khi biện pháp thuế quan đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực, Mỹ đã công bố số liệu việc làm. Qua số liệu cho thấy căng thẳng thương mại tác động rất ít đến việc làm. Tỷ lệ tuyển dụng của Mỹ vượt qua dự báo trong tháng 6, trong khi mức tăng lương bất ngờ chậm lại.

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Kevin Hassett cho biết: “Dữ liệu việc làm tháng 6/2018 cũng cho thấy không có bằng chứng về việc những lo ngại thương mại làm tổn thương nền kinh tế Mỹ”. Rằng không thấy có tác động tiêu cực nào đến các ngành công nghiệp của Mỹ.

Tuy nhiên, xung đột thương mại leo thang sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn thông qua việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm quốc tế, khiến chi phí của các công ty và người tiêu dùng Mỹ tăng cao.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lưu ý rằng, một số công ty đã cắt giảm đầu tư, trong khi Harley-Davidson Inc và General Motors Co cảnh báo họ có thể cắt giảm việc làm.

Giới chuyên gia còn dự báo, trong trường hợp một cuộc chiến thương mại toàn diện xảy ra giữa Mỹ với tất cả các nước khác, thì tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm 0,8% vào năm 2020.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng gây thiệt hại nặng nề cho thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trong số 32 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) theo dõi các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc và các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế, chỉ có 3 quỹ đạt được kết quả khả quan, bao gồm: (ETF - năng lượng - chăm sóc sức khỏe - theo dõi chứng khoán trên sàn Mỹ).

Ông Nathan Resnick - nhà điều hành công ty khởi nghiệp Sourcify cho báo giới biết, các nhà sản xuất đặt cơ sở tại Trung Quốc đang dần tìm đường rời khỏi quốc gia này, ông Resnick nói: “Trong bối cảnh cuộc chiến về thuế quan ngày càng gay gắt, các công ty không còn hứng thú để sản xuất tại Trung Quốc”.

Phản ứng tích cực của thị trường

Ngay sau khi có tin về đàm phán Mỹ - Trung, thị trường chứng khoán thế giới đã phản ứng mạnh theo hướng tích cực. Chốt phiên ngày 16/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,6% lên 25.558,73 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 2.840,69 điểm, trong đó nhóm hàng tiêu dùng và viễn thông diễn biến vượt trội.

Chỉ số Nasdaq tăng 0,4% và đóng cửa ở 7,806,52 điểm. Trước đó, đóng cửa thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 0,8% lên 7.556,38 điểm; chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 0,6% lên 12.237,17 điểm; còn chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 0,8% lên 5.349,02 điểm.

Ngày 17/8, chỉ số chứng khoán châu Á cũng tràn ngập sắc xanh. Theo đó, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 97.18 điểm (0.41%); chỉ số Kospi (Hàn Quốc) tăng 6.51 điểm (0.29%); chỉ số ASX 200 (Australia) tăng 5.6 điểm (0.09%); chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 11.06 điểm (0.41%); chỉ số hang Seng (Hồng Kông) tăng 255.98 điểm (0.94%); chỉ số VN-Index (Việt Nam) tăng 9,8 điểm (1,02%) lên 974,08 điểm.

Ông Randy Frederick, chuyên gia tại Schwab Center for Financial Research lạc quan nói: “Tôi biết là vấn đề chưa được giải quyết nhưng chỉ riêng thông tin hai bên sẽ nối lại đàm phán là đủ để thúc đẩy thị trường đi lên”.

Ông Maris Ogg cũng nói thêm rằng, một khi vấn đề thương mại được giải quyết, thị trường sẽ tập trung trở lại vào thông tin kết quả kinh doanh tích cực. Giá cổ phiếu Boeing và Caterpillar – 2 phong vũ biểu của thương mại toàn cầu (rất nhạy cảm) – tăng lần lượt 4,3% và 3,2% sau thông tin khả quan về thương mại.

Và “chiến thuật giữ miếng”

Ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia và là một trong những cố vấn hàng đầu của ông D. Trump khẳng định rằng: “Tổng thống D. Trump có một quyết tâm mạnh mẽ để đảm bảo chính quyền Mỹ sẽ có được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc”.

Ông Larry Kudlow cảnh báo: “Chính phủ Trung Quốc không nên đánh giá thấp sự kiên trì của Tổng thống D. Trump trong cuộc chiến thương mại này để ngăn chặn hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ cũng như việc chuyển giao công nghệ bắt buộc”. 

Ông Maris Ogg, giám đốc Tower Bridge Advisors dự đoán: “Tôi cho rằng các chính sách thuế quan là chiến thuật của chính quyền Tổng thống D. Trump” để đưa đối phương ngồi vào bàn đàm phán thương mại. “Tôi nghĩ giải quyết vấn đề này trước cuộc bầu cử giữa kỳ là yêu cầu tối quan trọng để loại bỏ những bất định trên thị trường chứng khoán Mỹ”.

Tuy nhiên, ông Kudlow khá thận trọng khi nhận định về kết quả cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Hãy chờ xem điều gì xảy ra. Đôi khi các cuộc đàm phán có thể mang đến kết quả tốt hơn so với dự kiến”.

Theo ông Kudlow: “Nếu Trung Quốc mở cửa thị trường của họ, cho dù mở cửa ở ngành công nghiệp hay dịch vụ tài chính hoặc công nghệ, Mỹ sẽ gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc một cách đáng kể”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc mới chỉ ở “cấp thấp” và hai nước khó có thể giải quyết những bất đồng thương mại hiện nay trong một sớm, một chiều, mà có thể sẽ còn có thêm nhiều các cuộc đàm phán khác.

Vì thế, câu trả lời “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung liệu có hạ nhiệt”? vẫn còn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực