Ngày Dân số Thế giới 2017: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh

Thứ ba, 11/07/2017 18:46
(ĐCSVN) – Ngày nay, tình trạng bùng nổ dân số vượt tầm kiểm soát đang trở thành một thách thức lớn và đòi hỏi tới nỗ lực chung của cộng đồng thế giới. Chính từ những ý nghĩa trên, Liên hợp quốc đã công nhận ngày 11/7 hàng năm là Ngày Dân số Thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cấp bách và tầm quan trọng của các vấn đề dân số toàn cầu.


Ngày Dân số Thế giới năm nay đề cao ý thức về các vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình.
 (Ảnh: NDTV)

Vào năm 1989, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã lấy cảm hứng từ Ngày thế giới cán mốc 5 tỷ người vào 11/7/1987, đề xuất chọn thời điểm này hàng năm làm ngày Dân số Thế giới và được Liên hợp quốc công nhận là một ngày Lễ quốc tế.

Kể từ đó cho tới nay, cứ mỗi năm, Ngày Dân số Thế giới lại được kỷ niệm với một chủ đề cụ thể do Liên hợp quốc đưa ra. Đây cũng được xem là dịp để nhắc nhở chính phủ mỗi nước và mỗi cá nhân trong cộng đồng hành động có trách nhiệm để có thể cùng hướng tới một nền tảng tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai. Sự kiện thường niên này được tổ chức trên quy mô toàn thế giới, gồm sự tham gia của các tầng lớp doanh nghiệp, các tổ chức cộng đồng và các cá nhân theo nhiều hình thức khác nhau.

Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới lần thứ 28 trong năm nay, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) lựa chọn một chủ đề: “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh” nhằm mục đích đẩy mạnh việc tiếp cận một cách an toàn và tự nguyện đối với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và xem đây là một quyền cơ bản của con người. Đây cũng được xem là một trọng tâm nhằm hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ và là một yếu tố then chốt trong việc xóa đói giảm nghèo.

Ngày Dân số Thế giới năm nay diễn ra trùng với thời điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh London về kế hoạch hóa gia đình (11/7/2017). Đây là lần thứ 2 Hội nghị này được tổ chức nhằm mục tiêu thúc đẩy Sáng kiến về Kế hoạch hóa gia đình đến năm 2020, trong đó tập trung vào việc mở rộng quyền tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tự nguyện cho thêm 120 triệu phụ nữ tính đến năm 2020.

Theo số liệu thống kê, hiện đang có khoảng 225 triệu phụ nữ tại các nước đang phát triển có nhu cầu tiếp cận với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả song không được đáp ứng, xuất phát từ nguyên nhân thiếu thông tin hay sự hỗ trợ từ bạn đời và cộng đồng cư trú. Thậm chí nhiều phụ nữ đang sinh sống tại 69 nước nghèo nhất trên thế giới còn không được đáp ứng những nhu cầu cơ bản về thuốc tránh thai. Chính vì thế, việc đầu tư phù hợp cho các chương trình kế hoạch hóa gia đình còn được đánh giá là sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và thúc đẩy phát triển đất nước.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các trường hợp tử vong ở sản phụ đang có dấu hiệu gia tăng ở mức đáng báo động, so với số liệu ghi nhận 303.000 trường hợp trên mỗi báo cáo y tế được đưa ra vào năm 2015. Trong khi đó, tình trạng sinh con ngoài ý muốn cũng được cảnh báo là không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe đối với người mẹ mà còn đối với người cha và chính đứa trẻ đó.

Nhiều công trình nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, các vấn đề về sức khỏe sẽ phát sinh nếu như người phụ nữ không chú ý đến khoảng cách sinh nở bởi người mẹ cần thời gian nhất định để phục hồi và lấy lại lượng dinh dưỡng đã mất trong quá trình mang thai đứa con trước đó. Ngoài ra, một số yếu tố khác bảo đảm thực hiện hiệu quả kế hoạch hóa gia đình bao gồm: Ngăn chặn các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STD); Giảm nguy cơ sinh con khuyết tật; Ngăn chặn tình trạng mang thai ở độ tuổi vị thành niên… Việc nâng cao ý thức về kế hoạch hóa gia đình sẽ giúp phụ nữ và trẻ em gái đưa ra những quyết định đúng đắn về vấn đề sinh nở. Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, hầu hết các bé gái sinh con ở độ tuổi dưới 18 sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Chính vì thế, ý thức được vấn đề kế hoạch hóa gia đình sẽ giúp các em giữ được sức khỏe lành mạnh, tập trung theo đuổi ước mơ sự nghiệp của riêng mình và lên kế hoạch cho tương lai.

Theo số liệu công bố của Liên Hợp quốc, dân số thế giới đến ngày 22/3/2017 là 7,49 tỷ người, ước đạt 8 tỷ người vào năm 2023 và đạt 10 tỷ người năm 2056. Trong đó, 60% dân số thế giới đang tập trung sinh sống tại châu Á; 12% tại châu Phi; 11% tại châu Âu; 8% tại Bắc Mỹ; 5,3% tại khu vực Nam Mỹ…

Với dân số hơn 95 triệu người, Việt Nam hiện nay có mức tăng quy mô dân số thấp nhất trong 35 năm qua, trong khi tỷ lệ sinh đang tiếp tục giảm và ổn định. Những thành tựu trên đã cho thấy những đóng góp và nỗ lực của Việt Nam trong hành trình 40 năm trở thành thành viên của Liên hơp quốc và thiết lập với Quỹ dân số Liên hợp quốc trong lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình. Mặc dù vậy, nước ta hiện vẫn có quy mô dân số đứng thứ 14 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, với mật độ dân số phân bố không đồng đều và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Để khắc phục những hạn chế này không chỉ cần tới những chính sách, chủ trương phù hợp mà quan trọng hơn là ý thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của mỗi cá nhân để có thể thực hiện một cách hiệu quả hơn công tác về dân số - kế hoạch hóa gia đình trong tình hình hiện nay./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực