EVN xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế

Thứ sáu, 11/08/2017 17:22
(ĐCSVN) - Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 9/8, tại Hà Nội.

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với EVN về tình hình triển khai và kết quả thực hiện chiến lược,

quy hoạch phát triển ngành Điện lực Việt Nam theo Kết luận số 26-KL/TW (ngày 24/10/2003) của Bộ Chính trị.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Hoàng An – Tổng giám đốc EVN cho biết, thực hiện Kết luận số 26-KL/TW (ngày 24/10/2003) của Bộ Chính trị, những năm qua, EVN đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân và an ninh quốc phòng.

Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện đáp ứng được yêu cầu điện cho cả nước. Tập đoàn cũng chú trọng ứng dụng công nghệ mới để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống điện; nâng cao hiệu suất vận hành các nhà máy, các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện.

EVN cũng nỗ lực đầu tư cấp điện cho nông thôn, trọng điểm là các khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Đến cuối năm 2016, số xã có điện trên cả nước đạt 99,96% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,69%.

EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo. Đối với các đảo có vị trí chiến lược trên biển như Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Cù Lao Chàm… được EVN đầu tư cấp điện lưới quốc gia để đảm bảo cấp điện ổn định, phục vụ phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Công tác kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng cũng có chuyển biến mạnh mẽ với nhiều đổi mới trong quản lý, tác phong làm việc để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội. Các chỉ tiêu về giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm điện cũng đạt kết quả cao.

EVN đã hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành từ 1/7/2012 theo đúng các quy định do Bộ Công Thương ban hành.

Tập đoàn cũng đồng thời đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Năng suất lao động SXKD điện tính theo sản lượng điện thương phẩm đến cuối năm 2016 đạt 1,73 triệu kWh/người, tốc độ tăng NSLĐ giai đoạn 2011 – 2016 đạt 8,1%/năm.

Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết, từ nay đến năm 2020, EVN đặt mục tiêu xây dựng Tập đoàn trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; hoạt động hiệu quả, bền vững; giữ vai trò chính đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Tập đoàn tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện, hoạt động có hiệu quả, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, phấn đấu đưa EVN trở thành một trong bốn đơn vị Điện lực hàng đầu ASEAN.

Khó khăn lớn nhất của EVN hiện nay, theo Tổng giám đốc EVN, là nhu cầu vốn trung bình từ 130 - 140 nghìn tỷ đồng/năm để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, từ nay đến năm 2030, ngành Điện cần 128 tỷ USD phục vụ công tác đầu tư xây dựng các công trình điện. Trước mắt, đến năm 2020 cần khoảng 48 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa, mà trước mắt là cổ phần hóa các tổng công ty phát điện, trong đó EVN giữ 51% vốn điều lệ và sau năm 2019 sẽ thoái toàn bộ vốn cũng là nhiệm vụ rất khó khăn khi thực tế thị trường vốn của Việt Nam không lớn.

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những kết quả mà EVN đã đạt được, không chỉ trong quá trình thực hiện Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị mà trong suốt lịch sử hình thành ngành Điện Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, doanh nghiệp nhà nước nói chung và EVN nói riêng đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. EVN cần chuẩn bị cho những bước phát triển mới; cần nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết vấn đề về giá điện. Đây là yếu tố cốt lõi góp phần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tạo động lực để thu hút vốn đầu tư xây dựng các công trình điện, cũng như xây dựng hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới.

EVN còn phải từng bước xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Từ đó, mới thu hút và xếp hạng đầu tư ngày càng cao. "Với tiềm lực như hiện nay, EVN có thể hoàn toàn làm được điều này" - Trưởng ban Kinh tế Trung ương bày tỏ sự tin tưởng.

Cũng theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, EVN sẽ là đơn vị điển hình trong việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, Ban Kinh tế Trung ương sẽ chỉ đạo, hỗ trợ Tập đoàn kịp thời tháo gỡ khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó cho EVN.

VM (Theo EVN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực