25 năm vận hành đường dây tải điện cao áp 500 kV Bắc - Nam

Thứ hai, 22/04/2019 08:17
Sau 25 năm vận hành, đường dây tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc-Nam mạch 1 là “sợi dây” liên kết hệ thống điện theo cả hai chiều, nâng cao độ an toàn cung cấp điện và chất lượng điện cho hệ thống điện quốc gia. Công trình còn thể hiện tầm nhìn vượt thời đại, là bước ngoặt lịch sử của ngành Điện Việt Nam.

 

Một góc công trường thi công đường dây 500 kV Bắc Nam - Ảnh tư liệu

Ý tưởng táo bạo, đột phá quyết liệt

Đầu thập niên 1990, miền Nam thiếu điện trầm trọng, cứ 1 ngày có điện thì lại “cúp” 2 - 3 ngày. Làm cách nào để miền Nam không “đói” điện, đảm bảo thực hiện thành công chương trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội là trăn trở của lãnh đạo Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ.

Kỹ sư Trần Viết Ngãi - Phó Ban Chỉ huy Công trình đường dây 500 kV, người có nhiều kinh nghiệm “trận mạc” khi lãnh trọng trách thi công đoạn “xương” nhất của công trình, nhớ lại: Tết Tân Mùi năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp lãnh đạo Bộ Năng lượng và lãnh đạo các công ty xây lắp điện. Thủ tướng đặt vấn đề, miền Nam thiếu điện, miền Bắc thừa điện, Bộ Năng lượng phải tìm cách đưa điện từ Bắc vào Nam.

Nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải đã cho thực hiện ngay các thủ tục cần thiết khẩn trương tiến hành xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam trong thời gian sớm nhất. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV với chiều dài lên tới khoảng 1.500 km. Thời điểm đó, trên thế giới, đường dây dài nhất cũng chỉ từ 700-800 km và thời gian xây dựng kéo dài 7-8 năm.

 

Có nhiều phương án lựa chọn, nhưng phương án đường dây chạy dọc theo dãy núi Trường Sơn là hợp lý nhất. Bộ Năng lượng mời Công ty Tư vấn PPI (Úc) làm tư vấn cho công trình này. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban quản lý triển khai xây dựng đường dây 500 kV Bắc - Nam.

Mọi công việc đã được chuẩn bị một cách hết sức khẩn trương và đã thu được kết quả tốt đẹp. Bộ trưởng Bộ Năng lượng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai xây dựng công trình. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, công trình chỉ được phép xây dựng trong 2 năm vì miền Nam thiếu điện nghiêm trọng, sớm được ngày nào quý ngày đó.

Khi chủ trương được công bố,  một số cán bộ cao cấp và một số nhà khoa học còn tỏ ra hoài nghi, vì có nhiều yếu tố vướng mắc về mặt kỹ thuật như bước sóng, điện áp cuối đường dây, vấn đề an toàn lao động khi phải thi công một đường dây quá dài, nhiều nơi địa hình vô cùng hiểm trở, nguy hiểm....  Tuy nhiên, với tư tưởng và quyết tâm lớn, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, cộng với sự cố gắng không mệt mỏi của CBCNV Bộ Năng lượng, công trình đã hoàn thành xuất sắc sau 2 năm vừa thiết kế, vừa thi công.

Xây dựng bằng cách nào trong thời gian 2 năm?

Để xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam, một loạt giải pháp được đặt ra rất chi tiết và cụ thể, trong đó việc lập tiến độ triển khai xây dựng công trình, bố trí lực lượng từ khảo sát thiết kế, từ thi công, giám sát, thu xếp vốn, kí kết hợp đồng, mua sắm vật tư thiết bị được thực hiện một cách chặt chẽ, hợp lý với tinh thần hết sức khẩn trương.

Công trình được chia thành 4 cung đoạn thi công, mỗi cung đoạn do 1 công ty xây lắp điện đảm nhận. Trong 4 cung đoạn đó, khó khăn nhất là cung đoạn 2, từ Hà Tĩnh đến Kon Tum dài trên 600 km. Trong đó, có khoảng 400 km là đồi núi, rừng già cùng với nhiều sông suối phức tạp… do Công ty Xây lắp điện 3 đảm nhận. Trong nhiều cuộc họp giao ban, nói về tiến độ thi công, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều nhắc “Nếu cung đoạn của Công ty Xây lắp điện 3 xong thì toàn tuyến xong”.

Chia sẻ về những yếu tố quyết định đến việc đảm bảo đúng tiến độ thi công trong 2 năm, ông Ngãi cho biết: Toàn công trường đã huy động tổng lực với việc sử dụng quân chính quy (cán bộ, kỹ sư và công nhân lành nghề) kết hợp với nhân dân địa phương, bộ đội, công an, các doanh nghiệp... làm mọi công việc phục vụ mục tiêu đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Một yếu tố không kém phần quan trọng, góp phần đảm bảo tiến độ thi công, đó là công tác động viên, khen thưởng kịp thời, tổ chức lao động hợp lý như, khoán công việc cho từng tổ, từng đội, từng tổng đội, từng xí nghiệp, kết hợp giữa lực lượng chính quy, lực lượng địa phương và các lực lượng lao động trưng dụng khác. Suốt 2 năm, không kể ngày đêm, chủ nhật, ngày lễ, mưa gió, bão lụt, rét thấu xương hay nắng như đổ lửa, tất cả đều vượt lên, dồn sức cho việc hoàn thành công trình đúng tiến độ với chất lượng cao.

Để giải quyết vốn cho công trình quan trọng này, Ban quản lý công trình thường xuyên làm việc với các Vụ của Bộ Năng lượng, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, tạo cơ chế thuận lợi cho việc cấp phát vốn đầy đủ, kịp thời. Hàng tuần, Bộ Năng lượng đều tổ chức giao ban, kiểm tra tiến độ thực hiện công trình, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong thi công, trong đó, nhiều cuộc họp Thủ tướng trực tiếp tham dự và chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm mọi khó khăn, vướng mắc, nảy sinh trong quá trình thi công công trình.

Ngày 27/5/1992, Thủ tướng quyết định khởi công đúc móng tại một vị trí ở Mãn Đức (Hòa Bình), một vị trí ở Hòa Sơn - Hòa Vang (Đà Nẵng) và một vị trí ở Phú Lâm. Sau gần 1 năm thi công việc đúc móng trên toàn tuyến đã hoàn thành. Móng nhỏ nhất khoảng 300 m3 bê tông (móng cột đỡ), móng cột néo bình quân từ 1.000 - 1.500 m3 bê tông tùy theo từng loại cột, móng cột vượt thì cao hơn. Đồng nghĩa với việc công tác đào đất lên tới hàng chục triệu mét khối.

Nhờ nhân dân đồng tình, ủng hộ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, Bộ Năng lượng khẩn trương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, mọi khó khăn vướng mắc dần dần qua đi, việc thi công ngày càng khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ.

Tháng 3/1993, việc dựng cột (khoảng 3.600 cột) trên toàn tuyến đã kết thúc thắng lợi. Việc thi công kéo dân dẫn, dây cáp quang lắp sứ, phụ kiện được hoàn thành vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1994. Tiếp theo là công việc thí nghiệm, hiệu chỉnh và công việc kiểm tra của cơ quan Điều độ điện quốc gia, chuẩn bị đóng điện, hòa vào lưới điện tại trạm Đà Nẵng vào ngày 27/5/1994 – ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành Điện Việt Nam.

Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực