Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở Quảng Ninh: Những bước đi vững chắc và hiệu quả

Thứ tư, 28/11/2018 16:46
​(ĐCSVN) - Sau 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các cấp, ngành chức năng và các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực thực hiện và đạt kết quả quan trọng. Góp phần đổi thay nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả... Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đến 14 quy hoạch chiến lược của ngành Nông nghiệp để phát triển sản xuất và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cao gấp 6 lần so với thời kỳ trước đó. Những quy hoạch này đã trở thành công cụ quan trọng để triển khai các chiến lược phát triển ngắn hạn, dài hạn của ngành, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư các mô hình sản xuất, kiểm soát được việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất.

Thương hiệu gà Tiên Yên.

Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, bằng với chỉ tiêu tính đến năm 2020, trong đó 16 vùng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ tính trong năm 2017, các vùng sản xuất tập trung đã mở rộng được thêm gần 3.900ha diện tích, đạt tổng sản lượng trên 33.500 tấn. Đây được coi là cú hích cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo tiền đề để nông sản Quảng Ninh có thương hiệu, có cơ hội xuất khẩu, nâng cao giá trị.

Đáng chú ý, chương trình OCOP đã thực sự trở thành chương trình phát triển kinh tế hiệu quả và đang được nhân rộng trong cả nước. Thông qua OCOP, hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh đã được tiếp sức để trở thành nông sản chủ lực, tăng mạnh về giá trị, thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới.

Để hiện thực hóa chiến lược phát triển, giai đoạn 2013-2018, toàn tỉnh cũng tập trung nguồn lực củng cố kết cấu hạ tầng vùng nông nghiệp nông thôn nói chung; tinh giản, gọn nhẹ bộ máy và nâng cao trình độ quản lý của ngành nông nghiệp; khuyến khích các mô hình sản xuất tập trung; thu hút nguồn lực của doanh nghiệp cũng như tăng hàm lượng khoa học ứng dụng vào nông nghiệp...

Thực tế trong 5 năm, toàn tỉnh đã huy động đến gần 2.600 tỷ đồng từ ngồn vốn ngân sách nhà nước và trên 7.500 tỷ đồng từ các nguồn vốn huy động xã hội hóa (cả người dân và doanh nghiệp) để đầu tư, kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp điện, nước, chợ nông thôn...; đào tạo, nâng cao trình độ cho 188 lượt cán bộ, bồi dưỡng 1.536 lượt cán bộ... Sở NN&PTNT đã chuyển 26 trạm thú y, bảo vệ thực vật về UBND cấp huyện; giảm 2 chi cục, 2 phòng chuyên môn; thực hiện tự chủ về kinh phí hoạt động 6 đơn vị sự nghiệp công lập... Thu hút 32 dự án lớn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn với tổng số vốn đăng ký đầu tư 5.167 tỷ đồng, bình quân trên 161 tỷ đồng/dự án...

Trong 5 năm qua, cơ cấu nội ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch rất rõ nét, cơ cấu GRDP toàn ngành chiếm 6,3%, giá trị tăng thêm bình quân tăng trên 3,5%/năm; tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành tăng bình quân 10,2%; đã tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản (từ 45,5% lên 52,8%), tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp. Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác tăng từ 81,7 triệu đồng/ha lên 121,9 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 16 triệu đồng lên 35 triệu đồng.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ hiệu quả hơn cho sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất giữa người dân với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm giải quyết hiệu quả từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời  gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

N.Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực