Quảng Ninh: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo

Thứ ba, 26/12/2017 08:52
(ĐCSVN)- Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2017, toàn tỉnh có 1.856 hộ thoát nghèo (tăng 1,6 lần so với kế hoạch), 1.308 hộ thoát diện cận nghèo, 6 xã đã hoàn thành Chương trình 135 và ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK)...
Nhiều hội gia đình trên địa bàn tỉnh đã biết tăng gia sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo

Để đạt được kết quả đó, bên cạnh việc triển khai cụ thể, sâu sát các chủ trương, chính sách của tỉnh và Nhà nước, các địa phương đã thực hiện hàng loạt giải pháp, cách làm hay, khơi dậy tính tự lực của người nghèo, xã nghèo.

Một trong những điều quan trọng nhất được chính quyền các địa phương xác định và tập trung thực hiện chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng, để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như Hải Hà (địa phương có thôn ra khỏi diện ĐBKK sớm một năm so với lộ trình), công tác tuyên truyền, vận động người dân là biện pháp được áp dụng mạnh mẽ. Không chỉ đẩy mạnh việc tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, qua những người có uy tín, công tác vận động còn được thực hiện đa dạng để tạo động lực cho người dân thoát nghèo.

Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền, thay đổi tư duy của bà con; các địa phương cũng chú trọng tới việc luân chuyển cán bộ, đưa người có năng lực về các xã, thôn nghèo để tạo động lực, khí thế mới. Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh- Lãnh Thế Vinh, trong năm 2017, toàn tỉnh đã luân chuyển 16 cán bộ, công chức và lãnh đạo cấp huyện, xã đến làm việc tại các xã ĐBKK. Ở cấp sở, Sở Khoa học và Công nghệ đã cử 1 chuyên viên tăng cường hoạt động khoa học công nghệ theo chương trình ký kết với huyện Đầm Hà. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử 1 cán bộ tăng cường giúp huyện Tiên Yên chuyển giao các kỹ thuật đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa tập trung.

Để các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, công tác chăm lo việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất, phát triển kinh tế cũng được coi là một những giải pháp trọng tâm. Đến hết tháng 11/2017, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ 3.018 hộ nghèo, với tổng số vốn đã triển khai thực hiện khoảng 29,3 tỷ đồng (đạt 94,78% kế hoạch), trong đó, vốn đã giải ngân là hơn 22 tỷ đồng (đạt 71,7% kế hoạch). Việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất được một số địa phương triển khai gắn với quy hoạch sản xuất và phát triển các thương hiệu của địa phương theo Chương trình OCOP...

Công tác giảm nghèo là một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh và các địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để xóa nghèo một cách bền vững thì không chỉ có sự vào cuộc của chính quyền mà quan trọng nhất chính là sự nỗ lực của chính người dân. Do đó, bên cạnh triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo cần được ưu tiên hàng đầu và đẩy mạnh hơn nữa. Có như vậy, đến năm 2020, các địa phương mới có thể đưa 22 xã và 11 thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 mà tỉnh đã đề ra.

TT. (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực