Hà Nội: Thực hiện hiệu quả mô hình trạm y tế điểm theo mô hình bác sĩ gia đình

Thứ tư, 28/11/2018 18:23
(ĐCSVN) – Sở Y tế Hà Nội đặt mục tiêu sẽ phát triển mạng lưới y tế cơ sở cả về vật chất, trang thiết bị và nhân lực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, năng lực khám chữa bệnh, phòng chống dịch, các chương trình y tế, thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Theo đó, Sở đặt mục tiêu cụ thể sẽ triển khai 4 trạm y tế điểm theo mô hình bác sỹ gia đình của Bộ Y tế. Đặc biệt, mở rộng mô hình điểm trạm y tế theo mô hình bác sỹ gia đình. Đến hết năm 2018, mỗi quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện điểm tối thiểu 02 trạm y tế điểm; đến năm 2019 triển khai tối thiểu 30% trạm y tế xã, phường, thị trấn; đến hết năm 2020, triển khai tối thiểu 60%, 2021 tối thiểu 80% và đến 2022 triển khai 100%...

Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: P.V)

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2018, ngoài các hoạt động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Sở đã đẩy mạnh việc triển khai công tác khám, chữa bệnh theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại các đơn vị trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực.

Sở Y tế Hà Nội đã huy động theo mọi hình thức cũng như xây dựng cơ chế thu hút bác sĩ về công tác tại y tế cơ sở. Tuy nhiên, đến nay, toàn TP mới có 502/584 trạm y tế có bác sĩ biên chế, còn lại 82 trạm y tế có bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện huyện. Đơn cử như theo đề xuất của Trạm y tế Tân Hội (huyện Đan Phượng), trạm đã được biên chế đủ với 10 cán bộ y tế, có đủ chức danh nghề nghiệp.

Nhưng, khối lượng công việc nhiều, hoạt động song song mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe toàn dân, trong khi đó, trạm chỉ có 1 bác sĩ được đi học mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Vì thế, TP cần tăng cường mở các lớp đào tạo ngắn hạn về y học gia đình cho cán bộ trạm y tế và tăng cường đưa bác sĩ tuyến trên về cầm tay, chỉ việc.

Để tăng cường đào tạo bác sĩ cho y tế xã, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo liên thông cho bác sĩ y học dự phòng. Từ năm 2013 đã thực hiện đào tạo cho 180 bác sĩ. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay đã cử 300 bác sĩ đa khoa đi học chứng chỉ 3 tháng về bác sĩ gia đình. Đến cuối năm 2018 tiếp tục cử 103 bác sĩ đa khoa đang công tác tại các trạm y tế đi học chứng chỉ bác sĩ gia đình, phủ kín toàn bộ 403 trạm y tế có bác sĩ đa khoa được học chứng chỉ bác sĩ gia đình. Cùng với đào tạo bác sĩ, ngành y tế tiếp tục chú trọng đào tạo y sĩ y học cổ truyền để người dân được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tốt hơn bằng phương pháp y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền ngay tại trạm y tế.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm phòng khám bác sĩ gia đình tại một quận hoặc huyện trên địa bàn theo mô hình, tiêu chuẩn châu Âu từ nay đến 2020. Mô hình phòng khám sẽ sử dụng cơ sở vật chất các trạm y tế hiện có, xã hội hóa kêu gọi đầu tư, quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe gia đình 24/24 giờ. Các bác sĩ, điều dưỡng tại phòng khám này cũng sẽ được cấp chứng chỉ, giấy phép hành nghề... Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý, trao đổi, tư vấn qua mạng..., tạo điều kiện tốt nhất phục vụ người dân sử dụng dịch vụ y tế theo mô hình bác sĩ gia đình.

Từ những cố gắng trên, y tế cơ sở ở Hà Nội đã đạt được kết quả nhất định. Nhiều trạm y tế đã thu hút được số lượng lớn người dân đến khám bệnh, chữa bệnh, số lượng khám trung bình từ 20 - 40 lượt/ngày. 100% các trạm y tế triển khai mô hình bác sĩ gia đình đã thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế, phối hợp với y tế tư nhân và Hội Đông y TP Hà Nội triển khai khám chữa bệnh tại trạm y tế, thu hút bệnh nhân về tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho các BV tuyến trên.

Đặc biệt, toàn TP đã tích cực khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân. Tính đến nay đã có 814.433 hồ sơ sức khỏe được lập. Các đơn vị trong ngành đã xây dựng kế hoạch mua thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người bị nhiễm HIV trên địa bàn TP.

Qua thực tiễn triển khai, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội vẫn đặt ra mục tiêu đẩy nhanh hoàn thành mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; Tăng cường phối hợp hơn nữa giữa trung tâm y tế và phòng y tế quận, huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt công tác giám sát dịch, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng để khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời.

Cùng với việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của 103 phòng khám bác sỹ gia đình đã được thành lập, năm 2018, Hà Nội mở rộng phòng khám bác sỹ gia đình tại 100% phòng khám đa khoa khu vực và 50% trạm y tế.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho phòng khám bác sỹ gia đình, đồng thời tuyển dụng đủ, bố trí nhân lực cho các đơn vị thành lập phòng khám bác sỹ gia đình. Ngành cũng khuyến khích các bác sỹ có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa bác sỹ gia đình, thành lập phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân. Tất cả các bác sỹ đa khoa công tác tại trạm y tế được cử đi học chứng chỉ bác sỹ gia đình hoặc học sau ĐH về chuyên ngành y học gia đình.

Tới đây, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông; nâng cao năng lực về công tác khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình và lập hồ sơ sức khỏe; bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao theo quy định của Bộ Y tế; nâng cao công tác quản lý, tư vấn sức khỏe cho nhân dân đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát.

BL
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực