Xúc tiến thành lập Tổ tư vấn liên ngành về giám định tư pháp

Thứ sáu, 17/08/2018 21:56
(ĐCSVN) - Đề án 250 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) đã giao cho các cơ quan nhiệm vụ nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền thành lập Tổ tư vấn liên ngành về GĐTP và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan thường trực.

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp liên ngành với Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), đại diện Ban Nội chính Trung ương (BNCTƯ), Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Bộ Công an để thống nhất cơ quan thường trực của Tổ tư vấn liên ngành về giám định tư pháp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: TH).


Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong những năm qua, chất lượng và hiệu quả hoạt động GĐTP đã được nâng lên một bước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng; quản lý nhà nước về hoạt động GĐTP có sự đổi mới, trong đó chú trọng tăng cường, phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành chủ quản và cơ quan tiến hành tố tụng nhằm tạo cơ chế “cộng đồng trách nhiệm” của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đối với công tác GĐTP.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động GĐTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc còn chậm tiến độ của một số vụ việc, vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận quan tâm. Đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc về GĐTP do các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương không thể thống nhất quan điểm trong quá trình xử lý, giải quyết vụ án, cần phải có sự chỉ đạo, giải quyết của Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, có những tồn tại, hạn chế về GĐTP cần có sự tham mưu của liên ngành tố tụng và Bộ Tư pháp để đề xuất giải pháp ở tầm vĩ mô phục vụ cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo giải quyết trong toàn quốc.

Đề án 250 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP đã giao cho các cơ quan nhiệm vụ nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền thành lập Tổ tư vấn liên ngành về GĐTP. Tổ này gồm đại diện Ban Nội chính Trung ương, VKSNDTC, Bộ Công an, TANDTC, Bộ Tư pháp và đề nghị VKSNDTC là cơ quan thường trực.

Tổ tư vấn liên ngành hoạt động kiêm nhiệm, làm đầu mối tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về GĐTP trong quá trình chỉ đạo, giải quyết án tham nhũng.

Tại cuộc họp, các ý kiến vẫn chưa thống nhất được cơ quan cơ quan thường trực Tổ tư vấn liên ngành về GĐTP.

Nhất trí việc thành lập tổ tư vấn về GĐTP, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cho biết VKSNDTC sẵn sàng nhận nhiệm vụ cơ quan thường trực của Tổ tư vấn liên ngành, song cho rằng nếu làm sẽ không hiệu quả bằng giao cho Ban Nội chính Trung ương.

Theo đại diện Ban Nội chính Trung ương: Công tác GĐTP có ý nghĩa quan trọng, nếu có vấn đề thì điều tra, truy tố, xét xử cũng khó khăn, nên sự cần thiết có tổ tư vấn liên ngành giúp cho Ban Chỉ đạo chỉ đạo các vụ việc. Đồng thời, đánh giá cao vai trò, vị trí của VKSNDTC là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp nên đảm nhận là phù hợp.

Tuy nhiên, đại diện TANDTC lại cho rằng, Ban Nội chính Trung ương định hướng chỉ đạo các vụ việc, vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến GĐTP là chính, nên để Ban Nội chính Trung ương làm đầu mối thường trực thì hợp lý hơn.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị, trước mắt thống nhất triển khai nhiệm vụ đã giao tại Đề án 250 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP, trong quá trình triển khai nếu gặp phải khó khăn, vướng mắc báo cáo lên Chính phủ./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực