Xây dựng cơ chế pháp lý mới, hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại tòa án

Thứ sáu, 06/09/2019 17:09
(ĐCSVN) - Thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới, hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Ngày 6/9, tiếp tục Phiên họp toàn thể thứ 13, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Trình bày tờ trình dự án Luật, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết, trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng.

Trong 3 năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được Tòa án các cấp thụ lý tăng trung bình hàng năm là 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên chế không thay đổi. Có những địa bàn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...), mỗi Thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ. Tình hình đó bắt buộc phải có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết đơn của nhân dân, giảm áp lực cho Tòa án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: TH.

Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, Tòa án nhân dân tối cao mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019. Qua 3 tháng đầu tiên triển khai đã hòa giải thành, đối thoại thành được 15.016 vụ, đạt tỷ lệ 74,08%), được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

“Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định ưu việt đáp ứng được đòi hỏi trước nhất của tình hình và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp”, Phó Chánh án nhấn mạnh.

Đại diện Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định trong dự thảo Luật này là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, khác biệt so với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Tòa án nhân dân tiến hành hoặc hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành. Theo ông Luật, cơ chế này sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án thực hiện công tác hòa giải, đối thoại, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành; đồng thời, thể chế hóa những ưu điểm đã đạt được từ hoạt động thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên, Điều 10 dự thảo Luật quy định: “thẩm phán, kiểm sát viên, những chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác… có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên, đối thoại viên”. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đối với luật sư, tiêu chuẩn “có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác” là dài, vì thực tiễn hoạt động của luật sư đều có liên quan đến tư vấn pháp luật, hòa giải, không nhất thiết phải ấn định thời gian cụ thể, chỉ cần quy định “có kinh nghiệm…” là đủ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, cần phải có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người đại diện hợp pháp của các bên trong hòa giải, đối thoại, nhất là đối với người đại diện theo ủy quyền của cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan hành chính bị khiếu kiện. Có như vậy, mới hạn chế được những vướng mắc phát sinh tương tự như đã phát sinh trong quá trình đối thoại và giải quyết vụ án hành chính. Đồng thời, quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong Luật này theo hướng nhanh gọn, tạo thuận lợi cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực