Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật

Thứ tư, 17/10/2018 14:37
(ĐCSVN) - Để tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp, Bộ Tư pháp kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cơ quan soạn thảo, thẩm tra, trình, thông qua dự án luật, pháp lệnh...

Sáng ngày 17/10, tại trụ sở Bộ Tư pháp, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương trong lĩnh vực tư pháp từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cùng tham dự buổi làm việc có: Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện một số Ban, bộ, ngành trung ương.

 Đồng chí Phan Chí Hiếu - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày báo cáo.
(Ảnh: TH).

Trình bày báo cáo, đồng chí Phan Chí Hiếu - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Với vai trò là cơ quan giúp Ban Cán sự đảng Chính phủ theo dõi thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ đã tham mưu, ban hành các chương trình kế hoạch, tổng thể hàng năm và tổ chức thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ, tạo được những chuyển biến cơ bản trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, hội nhập quốc tế.

Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua các đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trong bối cảnh số lượng văn bản rất lớn, phức tạp, song Bộ Tư pháp đã đảm bảo tiến độ thẩm định, chất lượng thẩm định được nâng lên rõ rệt.

Bộ Tư pháp cũng tích cực phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp luật; tình trạng nợ ban hành văn bản đã giảm đáng kế về số lượng, năm sau thấp hơn năm trước; chú trọng tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong xây dựng pháp luật.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực thi hành án đã thi hành xong gần 572 nghìn việc, với số tiền trên 34 nghìn tỷ đồng. Tập trung giải quyết vụ việc thi hành án trọng điểm, thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng liên quan đến tín dụng, ngân hàng…

Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Việc xây dựng quy hoạch được thực hiện dân chủ, khách quan, theo đúng quy định của Đảng với chất lượng ngày càng được nâng cao, gắn kết hơn với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, tính ổn định chưa cao.Việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật đang là thách thức lớn. Số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật được phát hiện còn nhiều. Cơ chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp còn thiếu hiệu quả; hiệu quả thi hành án án kinh tế, tham nhũng còn thấp; đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã còn mỏng, trình độ chưa đồng đều…

Để tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư  tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật  gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Chỉ đạo để tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cơ quan soạn thảo, thẩm tra, trình, thông qua dự án luật, pháp lệnh, đảm bảo chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác tư pháp trên địa bàn.

 Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TH).

“Đề nghị Bộ Chính trị xem xét ban hành trong năm 2019 Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm chỉ đạo các cấp ủy, ban cán sự đảng các cấp nâng cao nhận thức, tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử tài nguyên môi trường, ngân hàng trong từng công đoạn và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành các vụ việc trọng điểm để thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận: Nửa đầu nhiệm kỳ này, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã bám sát quan điểm, chủ trương, các nghị quyết của Đảng và triển khai thực hiện có kết quả, hoàn thành một khối lượng công việc lớn phục vụ cho sự phát triển của đất nước, từ xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng trưởng kinh tế đến an ninh trật tự. Trong đó, Bộ, ngành Tư pháp đã góp phần rất quan trọng vào công tác xây dựng pháp luật, đây là một trong những định hướng đột phá của Đảng.

Trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp cần nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của Bộ Tư pháp trong tổ chức bộ máy nhà nước trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập; làm tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật, phải là “Tổng tham mưu trưởng” của Chính phủ về công tác này.

Đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý, Bộ Tư pháp phải chủ động tham mưu, xây dựng chiến lược pháp luật phù hợp theo tình hình mới. Đồng thời, lưu tâm hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, bám sát điều kiện của đất nước. Tiếp tục quan tâm công tác pháp điển quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản; tiếp tục thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự... Tiếp tục nghiên cứu vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong tổ chức bộ máy nhà nước. Chú trọng công tác đào tạo cán bộ tư pháp. Tăng cường, quan tâm công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…/.

 

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp có 35 đơn vị. Hệ thống thi hành án dân sự gồm Tổng cục, Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh và Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện.

Về biên chế, tại Bộ Tư pháp hiện có 604 công chức, 1.012 viên chức. Hệ thống thi hành án dân sự trong toàn quốc có 4.119 chấp hành viên, 728 thẩm tra viên, 1.753 thư ký.

 
Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực