Sẽ nghiên cứu mở rộng địa bàn thí điểm hòa giải tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Thứ bảy, 22/09/2018 09:37
(ĐCSVN) - Qua 6 tháng triển khai thực hiện thí điểm, 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính tại Hải Phòng đã hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn; qua đó giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, các đơn vị tòa án cấp huyện…

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đặt ra nhiệm vụ “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015 coi hòa giải, đối thoại vừa là một trong các nguyên tắc cơ bản, vừa là trình tự, thủ tục bắt buộc trong quy trình tố tụng.

Nhằm đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã tổ chức triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND thành phố Hải Phòng và 09 TAND quận, huyện của thành phố trong 6 tháng (từ tháng 3 đến hết tháng 9 năm 2018) và dự định sẽ tiếp tục triển khai từ tháng 01/2019 cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (dự kiến vào cuối năm 2019).

 

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện thí điểm “Đề án đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính”. (Ảnh: N.Anh).


Qua 6 tháng triển khai thực hiện thí điểm, 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại đã nhận 2.573 đơn khởi kiện; đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Kết quả: Hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%, qua đó giúp các đơn vị cấp huyện thực hiện thí điểm không phải thụ lý giải quyết 1.827 vụ, thực tế giảm số vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính phải giải quyết, xét xử là 598 vụ so với cùng kỳ năm 2017.

Một số Trung tâm hòa giải, đối thoại có số vụ hòa giải, đối thoại thành cao như: Hồng Bàng đạt 84,6%, Kiến Thụy đạt 84,1%, Thủy Nguyên đạt 83,5%..; đã tập trung hòa giải, đối thoại thành nhiều vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại và khiếu kiện hành chính phức tạp. Trung bình mỗi tháng, mỗi hòa giải viên, đối thoại viên hòa giải, đối thoại thành được 5,25 vụ việc.

Đối với 1.451 vụ các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận, các vụ việc này sẽ được các cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên cơ sở tự nguyện của các đương sự, không phải cưỡng chế cũng giúp cơ quan Thi hành án dân sự giảm được rất nhiều thời gian, chi phí.

Thông qua hòa giải, việc giải quyết các vụ việc khiếu kiện hành chính được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; đã thay đổi nhận thức của cả chính quyền địa phương và người dân, tăng niềm tin của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, kết quả hoà giải, đối thoại góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân….

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thí điểm hòa giải, đối thoại tại thành phố Hải Phòng cũng gặp không ít khó khăn do số lượng vụ việc thụ lý nhiều, một số vụ việc tính chất phức tạp, thời gian triển khai còn gấp…

Trong thời gian tới, TAND tối cao xác định tiếp tục triển khai thí điểm tại Hải Phòng. Từ kinh nghiệm của TAND thành phố Hải Phòng, TAND tối cao sẽ xem xét nghiên cứu việc mở rộng thí điểm mô hình ra các địa phương khác. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn của TAND thành phố Hải Phòng, các quy định của pháp luật hiện nay và tham khảo luật pháp quốc tế có chọn lọc để hoàn tất dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, báo cáo Quốc hội; tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, tính ưu việt của cơ chế hòa giải…/.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực