Nhiều mô hình hay trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Thứ ba, 23/07/2019 10:18
(ĐCSVN) - Sáu tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 716.682 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 37,8 triệu lượt người với những mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Theo Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm, cùng với việc tiếp tục triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 và các Kế hoạch, Đề án PBGDPL khác, chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện nhằm liên kết, chia sẻ, cập nhật kịp thời thông tin pháp luật, nhất là các lĩnh vực trọng tâm, các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng đặc thù và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mới được thông qua, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

Học sinh được trang bị kiến thức pháp luật thông qua các cuộc thi. Ảnh: Bảo Hân.

Nhiều Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai những mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL. Trong đó, phải kể đến Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức hiệu quả các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam; Hà Nội thực hiện biên soạn tài liệu về nội dung các quy định pháp luật được cán bộ, nhân dân quan tâm và phát trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn, tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến”; Bạc Liêu, Lai Châu tổ chức hiệu quả các hoạt động PBGDPL cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên; Trà Vinh tổ chức nhiều phiên tòa giả định để PBGDPL về những vấn đề nóng như “Tín dụng đen”, “Đòi nợ thuê”, “Chơi hụi”;...

Sáu tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 716.682 cuộc tuyên truyền pháp luật (tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2018) cho hơn 37,8 triệu lượt người; phát miễn phí hơn 27,2 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL còn dàn trải, hình thức, chưa linh hoạt theo sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc định hướng dư luận xã hội. Hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp còn chưa thực sự hiệu quả. Công tác xã hội hóa PBGDPL còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội tham gia.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 và đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tiếp tục nghiên cứu, triển khai những mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL.…/.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực