Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ra ngoài lãnh thổ Việt Nam

Thứ năm, 24/05/2018 21:34
(ĐCSVN) - Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về một số vấn đề lớn như: phạm vi điều chỉnh; Trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh; Về hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước; Về đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể và xác định sức mạnh thị trường đáng kể; Tập trung kinh tế; Tố tụng cạnh tranh…

Theo đó, dự thảo luật dành riêng một chương quy định chi tiết về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường. Một doanh nghiệp được coi là có vị trị thống lĩnh nếu chiếm 30% thị phần; với nhóm 2 doanh nghiệp, thị phần vượt trên 50%,3 doanh nghiệp chiếm 65% thị phần; 4 doanh nghiệp chiếm 75% thị phần. Các nhóm này nếu bắt tay với nhau gây ra những hành động cản trở doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc kiểm soát cung cầu, giá cả trên thị trường đều bị xử lý.

Về vấn đề có ý kiến đề nghị cần làm rõ tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật, điều chỉnh cả hành vi thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh giải trình: việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để đảm bảo tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương, có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.

Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC, diễn đàn cạnh tranh quốc tế (ICN), diễn đàn cạnh tranh các nước Đông Á và các thỏa thuận hợp tác song phương giữa các cơ quan cạnh tranh.

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định 4 phương pháp xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan, nhưng chưa quy định việc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thị phần cho từng trường hợp cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh giải trình: Theo quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành, việc xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan chỉ căn cứ vào doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh cho thấy trong một số lĩnh vực như viễn thông, hàng không, vận tải biển, du lịch…, nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể bóc tách doanh thu, doanh số trên thị trường liên quan. Do vậy, dự thảo Luật đã bổ sung phương pháp xác định thị phần của doanh nghiệp dựa theo số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào của doanh nghiệp. Cơ quan cạnh tranh căn cứ vào đặc điểm, tính chất của thị trường liên quan để lựa chọn áp dụng phương pháp tính thị phần phù hợp.

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Đinh Công Sỹ (tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Hà (tỉnh Ninh Thuận) và một số ý kiến khác cho rằng Dự thảo Luật được xây dựng cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu, khắc phục được những hạn chế của Luật Cạnh tranh hiện hành, bảo đảm điều tiết các quan hệ trong hoạt động cạnh tranh. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung, làm rõ hơn tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Thị Hằng (tỉnh Bắc Ninh) và một số đại biểu tán thành quy định cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, để nhằm giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh.

Một số đại biểu đề nghị quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Liên quan đến quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, đại biểu Nguyễn Thành Công (tỉnh Ninh Bình) đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời làm rõ hơn nữa địa vị pháp lý Ủy ban Cạnh tranh quốc gia

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, một số ý kiến đại biểu cho rằng quy định tại dự thảo chưa làm rõ chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, đề nghị cần quy định chính sách cụ thể và biện pháp thực hiện để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển kinh tế thị trường./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực