Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 13/12/2019 19:54
(ĐCSVN) – Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014 khu vực phía Bắc và phía Nam để hoàn thiện dự thảo Luật, sau đó sẽ trình Quốc hội vào năm 2020.
 
leftcenterrightdel
 Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Tống Minh).

Ngày 13/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia quốc tế về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Trước diễn biến môi trường ở Việt Nam ngày càng phức tạp, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực và thực hiện từ năm 2014 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập và có sự chồng chéo với các luật khác, vì vậy cần sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất lấy ý kiến của các bộ, ngành và tổ chức quốc tế tập trung vào 4 vấn đề lớn là: phân vùng môi trường, đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường và kiểm soát ô nhiễm.

Về phân vùng môi trường, cấp phép môi trường, Tiến sĩ Michael G.Parsons và Tiến sĩ In Hwan Kim, chuyên gia cố vấn Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sử dụng đất cho các tòa nhà, sân bay… có nhiều yếu tố tổn thương đến môi trường như nếu xây dựng ở những vùng đất có độ dốc lớn sẽ gây nguy cơ ngập lụt.

Bởi vậy, nếu cần thiết phải có đánh dấu những điểm nguy cơ trên bản đồ quy hoạch môi trường; phải có đăng ký, đánh giá đủ điều kiện để cấp phép môi trường. Kinh nghiệm ở châu Á cho thấy, Malaysia có luật riêng quy định cho các đơn vị đủ điều kiện đăng ký và là biện pháp tốt để nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường. Hàn Quốc đưa ra các công cụ để quản lý như hệ thống đánh giá tác động môi trường áp dụng cho vấn đề quy hoạch khi thực hiện các dự án lớn về xây dựng. Có giấy phép rồi mới được hoạt động nhưng đảm bảo không chồng chéo trong chính sách cũng như chồng chéo kép gây thiệt hại, khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp.

Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, quyền của cộng đồng nên đưa vào trong Luật sửa đổi. Tham vấn người dân cần có sự tự nguyện của cộng đồng - nơi bị tác động bởi các dự án có tác động đến môi trường sống của dân bản địa.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện Ngân hàng Thế giới, cần sửa đổi để đưa Luật Bảo vệ môi trường tiếp cận phù hợp với các thông lệ quốc tế, làm cơ sở để ban hành các hướng dẫn trong quá trình thực hiện sau này. Đánh giá tác động môi trường cần có thêm yếu tố xã hội. Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường mới chỉ dừng lại ở gửi văn bản nhưng tham vấn cần có cả một quá trình. Công bố thông tin hiện đang rất kém nên cũng cần rà soát và phải công khai, đặc biệt đối với các dự án có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Hậu đánh giá tác động môi trường buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng.

Đại diện một số tổ chức của Cộng hòa liên bang Đức như GIZ, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết: Tại Đức, đánh giá tác động môi trường do doanh nghiệp chuẩn bị, tự chịu trách nhiệm và là một thành phần trong hồ sơ xin giấy phép môi trường. Cơ quan quản lý dựa vào Giấy phép môi trường để thanh tra, kiểm soát doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Việc cấp phép chỉ mang tính thời điểm, còn bảo vệ môi trường là quá trình lâu dài, doanh nghiệp cần ngày càng nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường phù hợp với những diễn biến và nguy cơ ô nhiễm. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Tổ soạn thảo sẽ tiếp thu và tiếp tục chỉnh sửa dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT. Dự thảo này sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT để lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Tổng cục Môi trường cũng sẽ  tổ chức 2 Hội thảo lấy ý kiến ở phía Bắc và phía Nam, đồng thời có nhiều tọa đàm với các chuyên gia quốc tế và trong nước để hoàn thiện dự thảo Luật, sau đó, sẽ trình Quốc hội vào năm 2020./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực