Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến tích cực

Thứ sáu, 12/04/2019 21:28
(ĐCSVN) – Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2018 của Chính phủ đánh giá năm 2018, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực hơn trước, đạt được nhiều kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho ý kiến tại phiên họp (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, chiều 12/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.

Trình bày báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực hơn trước, đạt được nhiều kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về THTKCLP trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN. Thu NSNN vượt kế hoạch đề ra. Nhiều chính sách về tài chính, thuế, NSNN được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi NSNN chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 28,8% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).

Tuy vậy, công tác chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, gian lận trong hoàn thuế, xử lý thu hồi nợ đọng thuế có những chuyển biến tích cực, song chưa đạt kết quả như mong muốn, do nhiều nguyên nhân nên số thuế nợ đọng còn lớn chủ yếu là các khoản nợ không còn khả năng thu hồi và các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp chiếm tới 69,3% tổng số tiền thuế nợ; số nợ thuế, phí và nợ các khoản thu về đất chiếm 30,7% tổng số tiền thuế nợ. Qua công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2018 phát hiện nhiều đơn vị sử dụng kinh phí NSNN sai chế độ.

Về THTKCLP trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2018; ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; chỉ đạo các cơ quan liên quan, các nhà đầu tư có phương án xử lý những bất cập tại các trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, giải ngân kế hoạch vốn NSNN của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm, gây lãng phí nguồn lực. Việc phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án còn hạn chế. Tình trạng phức tạp tại một số trạm thu phí BOT giao thông chậm được giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, yếu kém, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTKCLP năm 2019, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019 theo nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội; Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công; các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, thay mặt Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, công tác THTKCLP năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội năm 2018.

Cụ thể, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Chương trình THTKCLP sớm hơn so với các năm trước, tạo thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện chương trình THTKCLP của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và lồng ghép các nội dung liên quan đến THTKCLP; ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các vấn đề lớn, quan trọng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tinh gọn bộ máy; tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, thu hồi tiền và tài sản cho Nhà nước... Đây là những tiền đề quan trọng để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra công tác THTKCLP năm 2018 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Các tồn tại, hạn chế trong THTKCLP năm 2018 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm, ý thức chấp hành và tính tự giác của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, kỷ cương, kỷ luật trong THTKCLP còn có những hạn chế nhất định,... Chính phủ cần tổng kết và đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế trong năm 2018 để có cơ sở đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong THTKCLP.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng đánh giá cao Chính phủ có nhiều nỗ lực trong thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong năm 2018, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, các thành viên UBTVQH đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2018; tán thành với nhận định của Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách về kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế trong việc hành tiết kiệm, chống lãng phí năm vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên UBTVQH tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, gửi tới các đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thư viện./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực