Bộ Tư pháp đang kiểm tra quy định phải xin phép khi quay phim tiếp dân

Thứ sáu, 18/01/2019 19:04
(ĐCSVN) - “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” là quy định đối với công dân khi đến làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân TP. Hà Nội, đang nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Ngày 17/1, lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, sau khi họp trao đổi với một số cơ quan, đơn vị liên quan, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời nghiên cứu ý kiến đa chiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày 15/01/2019, Cục đã báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp về một số nội dung liên quan đến tính pháp lý và hợp lý của quy định về quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong nội quy tiếp công dân của một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội. Một số chuyên gia được tham vấn có ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Trụ sở Tiếp công dân TP. Hà Nội. Ảnh: TL.

Ngoài ra, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp về một số ý kiến liên quan đến thẩm quyền kiểm tra, kết luận tính hợp pháp của quy định về quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong các nội quy tiếp công dân nêu trên.

Trong quá trình nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, hầu hết các chuyên gia về xây dựng pháp luật được tham vấn đều cho rằng: Quy định về quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong các nội quy tiếp công dân nêu trên được áp dụng trong phạm vi trụ sở tiếp công dân của cơ quan nhà nước (thường được niêm yết trong phòng tiếp công dân của các cơ quan), được ban hành bằng hình thức văn bản hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền do Luật Tiếp công dân giao; không thuộc loại quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (khoản 1 Điều 3).

Vì vậy, ý kiến này cho rằng Bộ Tư pháp (đơn vị tham mưu là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) không có thẩm quyền kiểm tra, kết luận về tính hợp pháp của các quy định này; trách nhiệm kiểm tra, rà soát, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nội dung không phù hợp (nếu có) của các quy định này trước hết thuộc trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành nội quy. Đồng thời thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân.

Hiện, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đang xem xét báo cáo nói trên của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó, ngày 3/1/2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP, trong đó có quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Quy định này áp dụng đối với công dân khi đến làm việc tại trụ sở tiếp công dân TP Hà Nội nhận được sự phản ứng rất khác nhau từ dư luận.

Một số ý kiến cho rằng, đây là văn bản hành chính cá biệt, nên trái luật và vi hiến, bởi Hiến pháp 2013 đã quy định tương đối đầy đủ các quyền tự do cơ bản của công dân. Luật Tiếp công dân không có quy định cấm hay hạn chế công dân quay phim, chụp ảnh khi thực hiện thủ tục tiếp công dân. Một số người dân cũng cho rằng, quy định này hạn chế quyền giám sát của công dân.

Trao đổi với báo chí, đồng chí Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho biết, từ lâu, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy định "không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, cán bộ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân”.

Trước ý kiến cho rằng việc khi quay phim, chụp ảnh phải “xin phép” khiến quyền giám sát của người dân bị ảnh hưởng, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương nhấn mạnh, quy chế không cấm mà quy định trước khi làm việc đó phải xin phép và được sự đồng ý từ người có thẩm quyền.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Điệp, điều quan trọng nhất là thái độ của cán bộ, công chức khi làm việc với người dân. Qua tiếp xúc, người dân nhận thấy cán bộ cư xử đúng mực sẽ cảm thấy việc ghi âm, ghi hình là không cần thiết.

Đồng chí Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cũng đánh giá, nội quy của TP Hà Nội là dành quyền chủ động cho công chức quyết định.

"Quy định này của Hà Nội không vi phạm Hiến pháp, pháp luật, bởi Hà Nội không cấm mà chỉ nêu khi cán bộ tiếp dân chưa đồng ý thì người dân không được quay, chụp, ghi âm. Quy định này là cần thiết để tránh tình trạng có người dân quay phim xong đưa lên mạng với mục đích không lành mạnh làm ảnh hưởng đến công việc của Nhà nước, xâm phạm đến hình ảnh, quyền của cán bộ tiếp dân”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực