Bảo đảm tính thân thiện trong trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên

Thứ ba, 18/12/2018 19:28
(ĐCSVN) – Việc xây dựng cuốn Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, đặc biệt là kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên là cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, cần có cách tiếp cận phù hợp, thân thiện với từng nhóm đối tượng để đạt hiệu quả cao…

Trong 2 ngày 17-18/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, đặc biệt là kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương đã và đang thực hiện nhiều chính sách, pháp luật nhằm phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vật chất, tinh thần của người dân trong đó có trẻ em và các nhóm yếu thế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: TH).

Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 cùng với Hiến pháp năm 2013 và nhiều bộ luật pháp luật mới được ban hành gần đây như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trẻ em… đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác TGPL với nhiều nội dung mới, nổi bật; đặc biệt là việc mở rộng đối tượng TGPL đã đưa Việt Nam vào hàng các nước có độ phủ đối tượng TGPL rộng nhất thế giới.

Ngoài ra, Luật năm 2017 tiếp cận theo nguyên tắc lấy người TGPL làm trung tâm, từ đó đưa ra nhiều quy định yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, dù đã có nhiều cố gắng nhưng với các quy định mới của Luật và nhất là yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ thì khó tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ bước đầu thi hành Luật, kể cả cách hiểu, giải thích, áp dụng các quy định cho tới các kỹ năng TGPL cụ thể.

Do đó, Thứ trưởng nhấn mạnh việc xây dựng cuốn Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ TGPL, đặc biệt là kỹ năng TGPL cho người chưa thành niên là cần thiết và hữu ích.

Phó Cục trưởng Cục TGPL Vũ Thị Hường cho biết, Cẩm nang hiện đang xây dựng có 4 phần gồm hướng dẫn về người thực hiện TGPL, về người được TGPL, về nghiệp vụ TGPL và TGPL thân thiện cho người chưa thành niên. Trong đó, lưu ý một số điểm khi tiếp nhận yêu cầu TGPL của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và người từ 16 đến dưới 18 tuổi như hiểu đặc trưng tâm lý lứa tuổi của trẻ theo nhóm đối tượng, độ tuổi để có ứng xử phù hợp; hiểu được mong muốn của trẻ; dùng tình cảm chân thành, không khinh ghét, thị uy; chú ý điểm mạnh của trẻ, không để trẻ mất lòng tin…

Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, người chưa thành niên bao gồm nhiều đối tượng như: Người chưa thành niên theo độ tuổi, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số… Theo đó, mỗi đối tượng cần sự trợ giúp pháp lý khác nhau. Vì thế, UNICEF cam kết tiếp tục hợp tác với Bộ Tư pháp để nâng cao dịch vụ trợ giúp pháp lý cho đối tượng chưa thành niên một cách phù hợp, dễ tiếp cận và hiệu quả.

Theo đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, để TGPL thân thiện cho người chưa thành niên, người thực hiện TGPL rất cần lưu tâm đến kỹ năng hỏi đối với trẻ như đặt câu hỏi phải ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu; biết sử dụng hợp lý các câu hỏi đóng, câu hỏi mở…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực