Bảo đảm quyền được thông tin pháp luật của công dân

Thứ tư, 13/12/2017 21:49
​(ĐCSVN) – Đây là chủ đề cuộc đối thoại trực tuyến trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử do Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức chiều ngày 13/12.

Các đại biểu dự buổi đối thoại trực tuyến. Ảnh: TH

Tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề như: việc bảo đảm quyền được thông tin pháp luật của công dân ở nước ta hiện nay đang được thực hiện như thế nào? Công dân có được tiếp cận mọi thông tin hay không? Người dân có thể tiếp cận thông tin theo nguồn nào?... đã được ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội giải đáp.

Công dân có thể tiếp cận tất cả các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc bí mật nhà nước

Trước băn khoăn của bạn đọc về việc người dân có được quyền tiếp cận mọi thông tin hay không, ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Quyền tiếp cận thông tin của công dân là một quyền Hiến định; được cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện theo Luật tiếp cận thông tin năm 2016. Việc tiếp cận thông tin của công dân phải được thực hiện theo quy định của Luật tiếp cận thông tin. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc bí mật nhà nước, mọi người dân đều có quyền tiếp cận và tìm hiểu để thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ.

Như vậy, không phải mọi thông tin người dân đều được quyền tiếp cận như: văn bản mật hoặc văn bản lưu hành nội bộ.

Theo đó, người dân có thể xem thông tin trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật; Cổng thông tin điện tử chính phủ; Hệ thống công báo; Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; Tủ sách pháp luật; Xã phường thị trấn hoặc liên hệ với cán bộ công chức được giao nhiệm vụ triển khai thi hành văn bản đó hoặc được giao nhiệm vụ thực thi công vụ trong lĩnh vực đó. Bạn cũng có thể liên hệ với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để được cung cấp thông tin. Trang thông tin điện tử phổ biến pháp luật của Bộ Tư pháp cũng là một địa chỉ bạn đọc có thể tìm đến để xem hoặc xem trên báo chí có đăng tải toàn văn nội dung văn bản.

Đánh giá về khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật của người dân hiện nay, Vụ trưởng Đỗ Xuân Lân cho rằng về cơ bản là tốt, các cơ quan chức năng đã thực hiện công khai mọi văn bản trên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; Công báo (trung ương, địa phương); Cổng/trang thông tin điện tử, tủ sách pháp luật, các cơ quan báo chí, truyền thông và lưới thông tin cơ sở, mạng xã hội, Internet.

Song, ông Đỗ Xuân Lân cũng lưu ý, theo Điều 6 và Điều 48 của Hiến pháp 2013: Người nước ngoài cư trú ở Việt nam; công dân Việt Nam có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Vì vậy, người dân bắt buộc phải tự biết những thông tin về pháp luật để lựa chọn hành vi xử sự phù hợp với quy định của pháp luật; nếu vi phạm pháp luật, sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm.

Đồng thời, Nhà nước cũng phải có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật. Trách nhiệm của Nhà nước và cả hệ thống chính trị là phải triển khai thực hiện tốt công tác PBGDPL.

Người cố tình hạn chế quyền được thông tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Ông Đỗ Xuân Lân nhấn mạnh: Việc không cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật là hành vi bị luật nghiêm cấm. Người cố tình giấu diếm các văn bản pháp luật, cố tình hạn chế quyền được thông tin về pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kỷ luật; Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội vi phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong đó có thông tin về pháp luật. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 2 tháng đến 3 năm, thậm chí có thể phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ở một khía cạnh khác, để người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số có thể tiếp cận nhiều hơn với những thông tin pháp luật cần thiết cho cuộc sống của họ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Hồ Xuân Hương cho rằng cần hướng công tác PBGDPL về cơ sở; Tăng cường lực lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở để phổ biến kịp thời những nội dung của văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan trực tiếp đến người dân; Tăng cường phát hành tài liệu hỏi đáp pháp luật  với nội dung ngắn gọn dễ hiểu; Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin pháp luật cho nhân dân; Tăng thời lượng truyền, phát bản tin đối với loại thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của người dân sinh sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Tăng thời lượng thông tin về pháp luật trên các chuyên trang, chuyên mục của các báo, đài phát thanh truyền hình, trên loa truyền thanh ở cơ sở. Mặt khác, nhân rộng mô hình tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở xã, phường, thị trấn; Thực hiện nghiêm việc niêm yết các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn; Thực hiện nghiêm các quy định của Luật tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ 01/7/2018) về việc công khai rộng rãi các thông tin được phép công khai, cung cấp kịp thời thông tin pháp luật cho người dân khi có yêu cầu.

Bà Hương cho hay: Để được thông tin pháp luật, người yêu cầu cung cấp thông tin có thể yêu cầu cung cấp thông tin bằng các hình thức: trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin; Gửi phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin.

Để cụ thể hóa quyền được tiếp cận thông tin trong Hiến pháp, Điều 17 của Luật tiếp cận thông tin năm 2016 (có hiệu lực từ 01/7/2018) quy định các thông tin sau đây phải được công khai rộng rãi:

-Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan Nhà nước

- Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với nhưng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Nhà nước

- Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật  về ban hành pháp luật.

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực