Cứu thành công 7 ngư dân gặp nạn

Thứ sáu, 15/11/2019 20:34
(ĐCSVN) - 7 ngư dân bị chìm tàu được cứu thành công; Ghi nhận ca tử vong đầu tiên nghi sốt xuất huyết ở Quảng Trị; Bangladesh giải cứu 122 người tị nạn Rohingya gặp nạn trên biển, là một số tin đáng chú ý trong ngày 15/11.

Cứu thành công 7 ngư dân gặp nạn

Ảnh minh họa: dantri.com.vn


Vào khoảng 9 giờ ngày 15/11, tàu cá 90493TS có công suất 300 CV của anh Nguyễn Hữu Sơn (sinh năm 1989, thường trú tại thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) làm chủ, bị sóng to, gió lớn làm vỡ đáy và bị chìm cách bờ biển Thanh Hóa – Nghệ An khoảng 25 hải lý. Tàu có 7 ngư dân. Khi phát hiện tàu gặp sự cố, anh Sơn đã phát tín hiệu hỗ trợ.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An thông báo cho các phương tiện tàu cá đang hoạt động gần đó biết để ứng cứu. Sau đó, tàu cá NA 93195TS của tỉnh Nghệ An đã đến cứu nạn kịp thời, 7 thuyền viên trên tàu cá 90493TS đều được an toàn.

Hiện Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Hoằng Trường cử lực lượng phối hợp với địa phương và gia đình đi tiếp nhận 7 ngư dân bị nạn; dự kiến đến khoảng 22 giờ ngày 15/11 sẽ tiếp cận được tàu cá NA 93195 TS để đón các nạn nhân đưa về địa phương.

Ghi nhận ca tử vong đầu tiên nghi sốt xuất huyết ở Quảng Trị

 

Sở Y tế tỉnh Quảng Trị ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do mắc sốt xuất huyết. Cụ thể vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 12/11, bệnh nhân T.Đ.Q (sinh năm 1967), trú tại phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, hôn mê sâu, da môi tím tái. Sau khi được cấp cứu, hồi sức tích cực, bệnh nhân Q có mạch, huyết áp trở lại. Tiếp tục làm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân Q bị suy chức năng đa phủ tạng. Qua test nhanh và làm công thức máu, phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết nên được điều trị tại đây.

Tuy nhiên, do bệnh tình quá nặng nên bệnh nhân Q đã tử vong trong vào lúc 20 giờ 15 phút cùng ngày. Người nhà bệnh nhân này cho biết, ông Q ốm đã nhiều ngày nhưng tự điều trị ở nhà, khi phát hiện tình trạng sức khỏe xấu mới đưa đến bệnh viện.


Khám bệnh, điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
 

Do bệnh nhân đã tử vong nên không thể thực hiện các xét nghiệm tiếp theo Quyết định 4283/QĐ-BYT của Bộ Y tế về trường hợp bệnh truyền nhiễm để xác định chắc chắn ca bệnh.

Theo Bác sĩ CKII Lê Đức Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, trước tình hình bệnh ngày càng tăng nhanh, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh, các địa phương triển khai kế hoạch, tổ chức chiến dịch phòng, chống bệnh, tuy nhiên, vẫn diễn biến phức tạp do thời tiết đang trong giao mùa thuận lợi cho muỗi phát triển.

Cùng với đó, người dân được khuyến cáo khi thấy triệu chứng sốt cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời; không tự ý chữa bệnh ở nhà, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra…

Bangladesh giải cứu 122 người tị nạn Rohingya gặp nạn trên biển

Người tị nạn Rohingya tại trại tị nạn Kutupalong ở Ukhia, Bangladesh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Bangladesh đã cứu 58 phụ nữ, 47 người đàn ông và 17 trẻ em từ con chở họ vượt biển trái phép sang Malaysia gặp nạn tại Vịnh Bengal, ngày 15/11.

Thiếu tá hải quân Bangladesh, Saiful Islam (Xai-phun I-xlam) cho biết tàu tuần tra bờ biển đã tới vị trí con tàu chở người tị nạn Rohingya gặp nạn sau khi nhận được thông báo về một con tàu đang chìm từ các ngư dân đánh bắt ngoài khơi. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Bangladesh đã cứu 58 phụ nữ, 47 người đàn ông và 17 trẻ em từ con tàu gặp nạn này.

Cũng theo Thiếu tá Islam, tính đến thời điểm này trong năm nay, lực lượng cảnh sát và bảo vệ bờ biển Bangladesh đã ngăn chặn hơn 500 người tị nạn Rohingya bị đưa trái phép sang Malaysia. Những người này phải đối mặt với một hành trình trên biển đầy nguy hiểm với hy vọng về một cuộc sống tốt hơn so với các trại tị nạn chen chúc ở Bangladesh. Hiện cộng đồng Rohingya tại Malaysia ước tính hơn 100.000 người.

Số liệu thống kê cho biết từ tháng 8/2017, tình trạng bạo lực gia tăng đã khiến hơn 730.000 người Rohingya tại Rakhine (Ra-khin) của Myanmar đã vượt biên trốn sang Bangladesh./.

Anh Tuấn (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực