Từ pháp luật đến cuộc sống

Thứ ba, 30/10/2018 21:51
(ĐCSVN) - Vụ anh thợ điện đi đổi 100 USD bị tịch thu tiền và phạt 90 triệu đồng là một sự kiện pháp lý khá đặc biệt, phản ánh sự máy móc, cứng nhắc của người thi hành công vụ; phản ánh chất lượng văn bản quy phạm pháp luật thiếu chặt chẽ, bất cập, gây khó cho người dân...
Tiệm vàng Thảo Lực - nơi anh Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD. (Ảnh: laodong.vn)

Anh thợ điện Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng, do người có thẩm quyền xử phạt đã căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định số 96/2014 ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm “Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” và một số hành vi khác. Vậy là có căn cứ pháp lý, xử phạt không sai?

Vì sao một quyết định xử phạt hành chính không sai mà dư luận bức xúc, phải tranh luận ở nhiều diễn đàn? Nếu không có chuyện bất bình thường từ quyết định của cơ quan quản lý chắc không ai mất thời gian, trí tuệ để phản ứng, tranh luận...

Nước ta đang thực hiện nền kinh tế mở và hội nhập, việc đi du học, du lịch, chữa bệnh, lao động xuất khẩu… phải sử dụng USD là chuyện thường ngày, nếu chỉ vì không biết hoặc nhầm địa chỉ đổi ngoại tệ mà bị tịch thu rồi phạt tiền đến 90 triệu đồng thì quy định của pháp luật có thể xem như rào cản, làm khó người dân, hạn chế sự phát triển. Trong khi mục đích của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không phải như vậy.

Điều 3 Nghị định số 96/2014 có quy định rất rõ về hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả gồm 2 hình thức: Hình thức xử phạt chính (cảnh cáo và phạt tiền); Hình thức xử phạt bổ sung. Như vậy, trong tình huống pháp lý ở Cần Thơ, người thực thi công vụ có thể xử phạt cảnh cáo đối với anh thợ điện và hướng dẫn họ đến nơi mua bán ngoại tệ hợp pháp. Xử lý như vậy, chắc chắn người dân sẽ ghi nhớ để chấp hành pháp luật về quản lý ngoại hối mỗi khi có nhu cầu mua bán, trao đổi.

Việc xử phạt anh thợ điện 90 triệu đồng vì đổi 100 USD ở tiệm vàng, gây “nổi sóng” dư luận, cũng có nguyên nhân từ Nghị định số 96/2014 quy định chưa chặt chẽ. Khoản 3 Điều 24 quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ… nhưng lại không quy định số ngoại tệ vi phạm từ bao nhiêu thì xử phạt mức này. Có lẽ cơ quan soạn thảo nghị định hướng tới đối tượng thu đổi ngoại tệ với số lượng nhiều, không nhằm vào những người đổi ngoại tệ có số lượng ít như anh thợ điện ở Cần Thơ.

Ký phạt 90 triệu đồng mà biết người bị xử phạt không thực hiện được, rồi sau đấy lại phải “ngọt nhạt” gợi ý anh thợ điện làm đơn “cứu xét” thì quả là không thể hiểu nổi người ký nghĩ gì?

Vì vậy, để có một môi trường pháp lý minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, công bằng, bình đẳng và văn minh thì cần nhiều giải pháp, nhưng quan trọng hàng đầu vẫn là chất lượng văn bản quy phạm pháp pháp luật phải chuẩn mực ngay từ khâu soạn thảo đến khâu ban hành và cuối cùng là khâu tuyên truyền, tổ chức thực hiện.

Câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa rút lại quy định kỷ luật sinh viên hoạt động mại dâm trong dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, vừa được công bố để lấy ý kiến, cũng là một ví dụ rất sống động về tình trạng cơ quan tham mưu, soạn thảo văn bản chưa có tầm, xa thực tế đời sống...

Vẫn biết hệ thống pháp luật ở nước ta nói chung và văn bản quy phạm pháp luật nói riêng ngày càng tốt hơn trước rất nhiều, nhưng những con số mà Bộ Tư pháp đã công bố làm dư luận lo ngại: Năm 2017 có tới 5.639 văn bản trái pháp luật được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành. Như vậy, chia đều cho 365 ngày, kể cả ngày nghỉ thì mỗi ngày có trên 15 văn bản trái pháp luật được ban hành. Những văn bản trái pháp luật này gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội vô cùng phức tạp, không dễ đo đếm./.

Thái Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực