Trị bệnh “lười” tiếp công dân!

Chủ nhật, 18/11/2018 15:09
(ĐCSVN) – Thảo luận về kết quả tiếp công dân và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018 tại Quốc hội sáng 14/11, các đại biểu Quốc hộị đã phát biểu khá thẳng thắn về vấn đề tiếp công dân. Mặc dù đã có Luật tiếp công dân, song ở nhiều cấp vẫn “lười” thực hiện, đây được xem là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tiếp dân
 trong vụ khiếu kiện tại Thủ Thiêm. (Ảnh: Dân trí)

Nhiều nơi chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân

Về công tác tiếp dân, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, (từ 16/8/2017 đến 15/8/2018), cơ quan hành chính các cấp của 63 tỉnh, thành phố đã tiếp hơn 374.500 lượt người, trong đó có hơn 4.200 lượt đoàn đông người, 1.766 vụ việc phức tạp, kéo dài.

Qua thống kê số liệu báo cáo tại Quốc hội cho thấy: Đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định (39 tỉnh có số liệu, Chủ tịch đã tiếp định kỳ 226 ngày/468 ngày theo quy định). Chủ tịch một số tỉnh có tỷ lệ trực tiếp tiếp công dân định kỳ cao hơn quy định như: Tiền Giang (27 ngày, hơn 225%), Tuyên Quang (24 ngày, hơn 200%); một số tỉnh có số ngày tiếp định kỳ của lãnh đạo cao (kể cả số ủy quyền) như: Khánh Hòa (50 ngày), Bình Phước (30 ngày)...

Việc uỷ quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh (một số tỉnh ủy quyền trên 70% như: Nam Định, Bình Dương, Lào Cai, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam,...). Cá biệt có những tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân trong suốt 12 tháng.

Phụ lục về kết quả tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho thấy nhiều tỉnh không có số liệu báo cáo về hoạt động này, tiêu biểu như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Định, Cần Thơ, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương... Trong khi có những tỉnh tỷ lệ tiếp dân lại vượt cao so với quy định, như Tiền Giang 225%, Tuyên Quang 200%, Bình Dương 250%... thì có những tỉnh tỷ lệ tiếp dân của Chủ tịch tỉnh so với quy định là 0%, như Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên.

Qua những số liệu thống kê trên cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân còn nhiều hạn chế, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc tiếp công dân chưa được thực hiện thường xuyên. Nhiều tỉnh chưa quan tâm, theo dõi, đánh giá công tác tiếp công dân theo quy định.

Luật tiếp công dân có hiệu lực từ tháng 7/2014, đến nay đã qua 4 năm nhưng có địa phương, nội quy tiếp công dân chưa được thay đổi, cập nhật theo quy định của luật, việc thống kê báo cáo và ghi chép sổ tiếp công dân thực hiện chưa đầy đủ, việc công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử nhiều nơi chưa được thực hiện. Việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế về nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, chưa đáp ứng yêu cầu, tương xứng với trách nhiệm được giao.

Với thực trạng nêu trên, câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Luật tiếp công dân có hiệu lực từ tháng 7/2018, cán bộ lãnh đạo có biết không, hay biết nhưng không thực hiện? Vai trò nêu gương của người đứng đầu đang ở đâu? Cán bộ là công bộc của dân, gắn bó với nhân dân mà không muốn gặp dân, thử hỏi cán bộ ấy phục vụ ai?

Hoặc tiếp công dân cho có, coi mình là trên nhân dân, hách dịch, quan liêu, thờ ơ, vô cảm trước những bức xúc của người dân. Thậm chí có đại biểu Quốc hội nêu: Có cán bộ tiếp dân còn, “xua đuổi”, mắng mỏ, miệt thị, thách thức người dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Những cán bộ như vậy liệu có còn đủ tư cách và uy tín không? Cần phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín theo đúng tinh thần được nêu trong Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Cần nghiêm túc thực hiện Luật tiếp công dân

Theo quy định của Luật tiếp công dân, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng 1 lần, chủ tịch UBND cấp xã phải tiếp dân ít nhất mỗi tuần 1 lần, phải công khai lịch tiếp công dân. Tiếp công dân được xem như là chất “keo” kết dính giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân, qua đây cán bộ có thể nghe được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân chính là người thầy thông thái nhất để cán bộ lãnh đạo qua đó mà học hỏi, bồi bổ thêm kiến thức cho mình. Quan liêu, xa dân là thất bại trong lãnh đạo, biết lắng nghe dân là thành công trong xây dựng chính quyền vững mạnh.

Do đó, thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, chủ tịch UBND các địa phương cần nghiêm túc thực hiện Luật tiếp công dân. Trong đó, tiếp công dân cần diễn ra thường xuyên, định kỳ, đột xuất để lắng nghe, thấu hiểu người dân, đó là cơ sở xây dựng chính quyền công khai, minh bạch thực sự vì dân và lo cho dân. Sự việc Khu đô thị Thủ thiêm mà Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã dành nhiều thời gian và có 3 buổi tiếp công dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, phản ánh của người dân là điều rất cần làm để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, giảm thiểu khiếu nại vượt cấp, tránh hình thành điểm nóng.

Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh ngay những yếu kém trong công tác tiếp công dân các cấp, tích cực thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những biểu hiện thiếu trách nhiệm, sai phạm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đảm bảo 100% lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải được công bố công khai để người dân giám sát.

“Nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo đảm bảo đúng pháp luật, kịp thời, có tình có lý ngay từ đầu thì người dân sẽ đồng tình chấp thuận, ngược lại sự suy thoái của một số cán bộ trong thực thi công vụ dẫn đến phát sinh nhiều khiếu kiện của người dân, kể cả vượt cấp. Thái độ tiếp dân phải tôn trọng và thực hiện một các nghiêm túc cầu thị chứ không phải chiếu lệ, làm cho xong”, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám nói.

Tăng cường các biện pháp hành chính của cấp trên đối với cấp dưới, kiểm điểm, khắc phục trình trạng này, bởi nếu kéo dài sẽ dẫn đến việc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được giải quyết. Cần phải đưa tiêu chí tiếp công dân vào bình xét đánh giá cán bộ hàng năm, hay bổ nhiệm, điều động cán bộ. “Khắc phục việc viện dẫn lý do là bận quá mà không sắp xếp được lịch tiếp công dân. Bởi vì anh là người phục vụ cho đời sống mọi mặt của người dân. Chỉ có anh là người đưa ra các quyết định hành chính để giải quyết các vấn đề theo chức năng, thẩm quyền liên quan đến lợi ích, nguyện vọng của người dân theo pháp luật”, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nói.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nêu: Nếu 1 năm mà anh không thực hiện được việc đó thì anh phải rời ghế đi. Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ. Việc của anh là việc với dân chứ không chỉ là việc với cơ quan này cơ quan khác, đi thăm chỗ nọ chỗ kia. Đối tượng làm việc chính của anh là với dân, cho nên, phải dành thời gian cho dân, gần dân.

Với tinh thần trách nhiệm, gắn bó với nhân dân và vì nhân dân, cán bộ cần tiếp công dân để lắng nghe, tiếp nhận kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật./.

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực