Đổi đời ở “miền đất hứa” ?

Thứ sáu, 01/11/2019 23:18
(ĐCSVN) - Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về danh tính của 39 nạn nhân trong thùng container, nhưng việc chúng ta cần làm ngay lúc này là phải tuyên truyền mạnh mẽ, kiên quyết ngăn ngừa một thảm kịch tương tự xảy ra trong tương lai. Phải làm cho người lao động hiểu rằng, chỉ có những chuyến đi lao động hợp pháp mới đem lại sinh kế bền vững, lâu dài.

14 gia đình đề nghị xác minh danh tính nạn nhân vụ 39 người chết ở Anh

Vụ 39 nạn nhân được phát hiện tử vong tại Anh: Điện đàm Ngoại giao Việt Nam-Anh

Cập nhật thông tin về vụ 39 người thiệt mạng trong xe tải ở Anh

Thế giới tuần qua: Rúng động vụ phát hiện 39 thi thể trong xe tải ở Anh

Người di cư châu Phi vượt Địa Trung Hải chờ tàu cứu nạn ngoài khơi Libya. (Ảnh: UNHCR)

Thông tin về 39 thi thể trong thùng container đông lạnh thuộc hạt Essex, Vương quốc Anh gây bàng hoàng dư luận thế giới. Cho đến hôm nay, Cảnh sát Anh vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức nào về danh tính và quốc tịch của các nạn nhân. Tuy nhiên, bằng những thông tin, dấu hiệu thu nhận được, một số gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh… nhận định, nhiều khả năng con em mình là nạn nhân trong vụ việc tang thương này.

Trước nghi vấn này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an, UBND các tỉnh, các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ, có xử lý phù hợp, theo pháp luật Việt Nam, quốc tế. Thực hiện chỉ đạo này, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, liên quan đến hành vi "Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép" xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có cuộc điện đàm với bà Priti Patel, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland về công tác phối hợp xác định danh tính các nạn nhân nghi là người mang quốc tịch Việt Nam; các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp tích cực với cơ quan chức năng của Anh quốc để xử lý những vấn đề có liên quan đến vụ việc…

Cho đến hôm nay, tại nước Anh xa xôi, các nhà chức trách Anh đang khẩn trương làm song song cả hai việc: Vừa nhận diện danh tính 39 nạn nhân, vừa lần mò từng mắt xích trong đường dây tổ chức vượt biên mà họ cho rằng có “quy mô toàn cầu”. Trong khi đó, quá trình xác minh nhân thân của nạn nhân cũng sẽ phức tạp hơn vì những kẻ tổ chức đường dây buôn người đã tìm cách giấu giếm những manh mối liên quan.

Chuyện vượt tầm kiểm soát của đất nước xin không bàn tới và chúng ta vẫn hi vọng có một phép màu sẽ đến. Xin quay trở lại đất nước của chúng ta. Hiện Việt Nam có gần 5 triệu người đang cư trú tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu năm 2019 đưa được 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thực tế thì xuất khẩu lao động hàng chục năm qua đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước với số liệu tăng dần qua các năm, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu ở các địa phương. Kết quả đó có được là nhờ hàng loạt chủ trương, chính sách phù hợp của Đảng, nhà nước. Đến nay, chúng ta đã đưa người lao động sang làm việc tại khoảng 25 thị trường, có cả những thị trường mới, khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu… Sau nhiều năm, rất ít sự cố đáng tiếc xảy ra với người lao động đi theo các chương trình hợp pháp.

Nhưng song song với kết quả đó là rất nhiều các bất cập như tình trạng bát nháo trong hoạt động cung ứng dịch vụ xuất khẩu lao động, nạn lừa đảo xuất khẩu lao động và tình trạng lao động bỏ trốn… vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế. Rồi bên cạnh các công ty làm ăn uy tín, chân chính thì còn không ít doanh nghiệp làm ăn chụp giật, lừa đảo người lao động "đem con bỏ chợ" mà đối tượng bị lừa lại thường là những lao động nghèo, thiếu việc làm, ít thông tin nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ…

Và chính mỗi một người dân ra đi bằng con đường bất hợp pháp cũng không lường hết được những tương lai đầy khó khăn, thậm chí không còn con đường quay lại mà họ phải gánh chịu…., bởi di cư bất hợp pháp là vi phạm pháp luật. Thậm chí một số hành vi tổ chức đưa người nhập cư trái phép được coi là buôn người, một hành vi phạm tội nguy hiểm. Đó là chưa nói đến di cư bất hợp pháp đi liền với rủi ro rất cao, và người dân di cư bất hợp pháp không được pháp luật bảo vệ. Chính vụ việc 39 người chết vừa qua chính là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất về những nguy cơ, nguy hiểm phải đối mặt khi lựa chọn con đường đi bất hợp pháp.

Theo Bộ Công an, từ năm 2016 tới nay, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 900 vụ mua bán người, với hơn 1.180 đối tượng, lừa bán khoảng 2.300 nạn nhân. Trong đó, nhiều đường dây đưa người tới một số quốc gia ở Đông Âu, châu Á và nhiều nhất là Trung Quốc. Thậm chí, nhiều trường hợp sau đó bị bọn buôn người đưa tới quốc gia thứ 3, thứ 4 và biến họ thành nô lệ tình dục, hay cưỡng bức lao động. Với nhiều người nhập cư trái phép, “miền đất hứa” nơi đất khách quê người đôi khi chỉ còn là “ảo mộng”. Đau lòng hơn, rất nhiều người còn không bao giờ đi hết hành trình tìm “ảo mộng” ấy...

Cho dù “mất bò mới lo làm chuồng”, sau những vụ việc xảy ra, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan đều phải khẩn trương rà soát, khắc phục, rút kinh nghiệm, phải làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra việc này và phải “sửa” từ trong nhận thức. Đặc biệt cần phải điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức, để tránh các bài học gây hậu quả đau đớn như đã xảy ra.

Và bản thân chính mỗi người lao động trước khi ước mơ có sự đổi đời ở “miền đất hứa” bằng con đường bất hợp pháp thì phải trả lời câu hỏi tại sao với số tiền phải bỏ ra rất lớn (khoảng 700-900 triệu đồng) để “mua” một suất bước vào hành trình bão táp tới xứ người mà không chọn con đường đúng, con đường sống hợp pháp. Theo đường ấy, có thể ít tiền hơn nhưng không nguy hiểm đến mức phải bỏ mạng và để lại những khoản nợ là những cuốn sổ đỏ "cắm" ở ngân hàng, là những món nợ “vay nóng” lãi cao...  và để lại sự day dứt khôn nguôi cho những người thân nếu không may bị đẩy vào “địa ngục” của những vụ mua bán người, thậm chí không giữ được mạng sống chứ nói gì đến sự đổi đời ở “miền đất hứa”.

Thiết nghĩ, để không xảy ra những sự việc đáng tiếc như đã nêu trên, các cấp, các ngành còn rất nhiều công việc phải làm. Trong đó, việc cần thiết và quan trọng nhất là cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu và tránh mạo hiểm đi lao động bất hợp pháp,  vừa phải trốn chui, trốn lủi, vừa "tiền mất, tật mang", thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng.../.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực