Điệp khúc thừa, thiếu giáo viên!

Thứ tư, 29/08/2018 14:35
(ĐCSVN) - Có huyện thừa đến 600 giáo viên, có thành phố thiếu 600 giáo viên… Thực trạng này gây lo ngại cho giáo dục ở nhiều địa phương trước thềm năm học mới. Lời giải nào cho bài toán này?
Ảnh minh họa.( Nguồn: vov.vn)

Mấy tháng đầu năm 2018, dư luận quan tâm đến thông tin 260 giáo viên ở Yên Phong (Bắc Ninh); gần 300 giáo viên hợp đồng, có thời gian công tác từ 8 đến 23 năm ở huyện Thanh Oai (Hà Nội); gần 600 giáo viên ở Krông Pắk (Đắk Lắk)… đứng trước nguy cơ mất việc làm. Như vậy nghĩa là lượng giáo viên dư thừa rất lớn.

Và chuẩn bị cho năm học mới, theo thống kê chưa đầy đủ từ 43 tỉnh – thành phố trong cả nước cho thấy các trường học đang thiếu gần 76.000 giáo viên, đặc biệt bậc mầm non thiếu đến 40.000 người.

Đơn cử, thành phố Đà Nẵng, trong năm học 2018-2019,  cần tuyển 313 giáo viên tiểu học, 233 giáo viên THCS, 84 giáo viên THPT. Thiếu nhiều nhưng nhiều quận - huyện cho hay số hồ sơ dự tuyển hợp lệ thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng.

Riêng giáo viên bậc mầm non, tính đến ngày 15/8/2018, cả nước có gần 310.000 giáo viên và nếu so với định mức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã thống nhất thì số giáo viên mầm non còn thiếu là khoảng 40.000 người. Thống kê cho thấy chỉ riêng tại Hà Tĩnh, giáo viên mầm non còn thiếu lên đến 800 người, khoảng 1.200 trẻ không được nhập học vì thiếu giáo viên cũng như trường lớp.

Ở bậc tiểu học, số giáo viên còn thiếu gần 19.000 người. Trong khi đó ở bậc THCS thiếu 10.000 người nhưng cũng lại thừa 12.000 người, còn bậc THPT thì thiếu trên 3.000 giáo viên.

Các con số trên đây cho thấy thực trạng có nơi thừa giáo viên, có nơi thiếu giáo viên, thừa giáo viên môn này  nhưng thiếu giáo viên môn khác… mà chỗ nào cũng trầm trọng. Muốn có bức tranh giáo dục cân đối, hài hòa, bảo đảm chất lượng dạy và học thì phải tìm đúng nguyên nhân để sửa đổi tận gốc.

Nguyên nhân đầu tiên là thiếu dự báo về số lượng học sinh trước các năm học. Nguyên nhân thứ hai là chỉ tiêu tuyển dụng không sát thực tế, nhiều nơi nhiều năm không có chỉ tiêu tuyển dụng vì nhiều lý do.

Như vậy, có nguyên nhân tự Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương có thể giải quyết được như việc luân chuyển giáo viên từ địa phương này sang địa phương khác, từ huyện này sang huyện khác, thậm chí từ tỉnh này sang tỉnh khác. Nếu điều chuyển kịp thời, công khai, minh bạch thì các giáo viên sẽ ủng hộ để bảo đảm họ được tiếp tục cống hiến và không để nơi nào học trò thiếu giáo viên.

Bám sát thực tế để điều chỉnh đầu vào của ngành sư phạm cũng là vấn đề rất quan trọng. Đào tạo phải bám sát thị trường, bám sát nhu cầu của xã hội, nếu chỉ lo đầu vào không tính đến đầu ra cho các sinh viên là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với sinh viên, với chính ngành giáo dục của các cơ sở đào tạo sư phạm chưa cao. Các trường sư phạm nói riêng và ngành giáo dục và đạo tạo nói chung không thể không đề cao trách nhiệm trong việc tuyển sinh viên sư phạm vừa qua.

Nguyên nhân thứ hai, ngành giáo dục và đào tạo phải trông vào Bộ Nội vụ, phải có sự kết hợp ăn ý, chặt chẽ giữa hai bộ, để phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng hợp lý, cũng như đề xuất lên Chính phủ có những giải pháp kịp thời để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên./.

Thái Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực