Đổi mới phương pháp dạy và học ngành Công tác xã hội

Thứ hai, 20/10/2014 11:12

(ĐCSVN)Nhằm nâng cao chất và lượng đội ngũ cán bộ nghề công tác xã hội (CTXH), ngành giáo dục đã từng bước nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ giảng viên, đổi mới giáo trình giảng dạy, tăng thời lượng thực hành… Tuy nhiên, dường như còn khá nhiều khó khăn phía trước.

   

Nhân viên nghề Công tác xã hội ngày càng cần được đào tạo các kỹ năng chuyên ngành
để nâng cao hiệu quả công tác xã hội. (Ảnh: Trần Quỳnh)


Xây dựng giáo trình phù hợp với thực tiễn

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma túy và hơn 15.000 người hoạt động mại dâm… Đây là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, cần chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, che chở… Trái ngược với các con số trên, lực lượng làm CTXH của ta còn quá nhỏ bé với khoảng 35 nghìn người, hiện làm việc tại các trung tâm dịch vụ tư vấn, các cơ sở chăm sóc người già, người tàn tật, các trung tâm bảo trợ xã hội… trong đó có tới 90% chưa qua đào tạo.

Chúng ta cũng biết, nghề CTXH mới xuất hiện trên thế giới được 16 năm, và ở nước ta, đây được coi là nghề mới xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây. Do đó, đây cũng là một ngành đào tạo khá mới mẻ ở Việt Nam, nhu cầu đào tạo chuyên sâu về nghề CTXH nhiều nhưng thực tế gặp các thách thức: Sự hạn chế trong công tác đào tạo nghề, bất cập về đội ngũ nhân lực đào tạo, mạng lưới cơ sở thực hành còn yếu, hệ thống giáo trình bất cập.

Ông PGS.TS Nguyễn Khắc Bình, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn quan tâm chăm sóc những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hơn 10 năm trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch xây dựng và thực hiện Chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề CTXH. Quy hoạch nghề CTXH được ngành giáo dục thực hiện từ năm 2003. Khi đó, Bộ đã giao cho 2 trường đại học nhiệm vụ đào tạo ngành CTXH bậc đại học. Lúc đó, việc đào tạo ngành CTXH của chúng ta còn rất non trẻ, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy phần lớn là giảng viên tốt nghiệp từ các ngành lân cận như tâm lý học, XHH, nhân học văn hoá, luật…. Chỉ có một số ít giảng viên được đào tạo đúng ngành CTXH ở nước ngoài có trình độ tiến sĩ tham gia giảng dạy. Từ đó đến nay, cả nước đã có 42 trường đại học, cao đẳng và cơ sở giáo dục được giao đào tạo CTXH trình độ thạc sĩ, cử nhân đại học, cao đẳng. Có hai cơ sở giáo dục đại học là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại Học Lao động xã hội tham gia đào tạo ngành CTXH trình độ thạc sĩ. Đây là nguồn cung cấp đội ngũ giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành để tham gia giảng dạy ngành CTXH trong các cơ sở giáo dục trong thời gian tới. Với số lượng các trường đào tạo và tiến độ đào tạo ngành CTXH như hiện nay, ông Bình nhận định, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề CTXH trong tương lai.

Ông Bình cũng cho biết thêm, theo kế hoạch, sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng 2 trung tâm đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ giảng viên và người làm CTXH. Trong trường đại học, mỗi sinh viên chỉ được học chuyên sâu 1 - 2 ngành, khi ra trường làm sang ngành khác thì các em sẽ có thể thay đổi bằng các tham gia các khoá bồi dưỡng ngắn hạn của 2 trung tâm này để đáp ứng yêu cầu công việc.

Việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành CTXH cũng được đặc biệt chú trọng. Trong Chương trình đào tạo đại học nghề CTXH, Bộ đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực thực hành, nội dung tiếp cận các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, Bộ cũng chú trọng đổi mới việc đào tạo đội ngũ giảng viên. Trước đây, các trường thường sử dụng giảng viên đào tạo ngành gần để đào tạo chuyên ngành CTXH thì đến nay, người giảng viên phải được đào tạo đúng chuyên ngành, hoặc phải được đào tạo lại đúng ngành CTXH. Từ năm 2010, thực hiện mục tiêu của Đề án 32, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao một số trường đại học nghiên cứu, biên soạn giáo trình đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng nghề CTXH để chuyển giao cho cơ sở dạy nghề thiết lập chuyên ngành đào tạo CTXH.

Từ ngày 01/01/2013, Luật Giáo dục đại học có hiệu lực. Theo đó, Bộ không xây dựng Chương trình khung đào tạo mà giao các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tự biên soạn, xây dựng và thẩm định Chương trình đào tạo. Tuy nhiên, riêng với chương trình đào tạo ngành CTXH, để đảm bảo nội dung chương trình, cũng như đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi mới của nghề CTXH ở nước ta, đặc biệt với sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ nghề CTXH, Bộ đã giao một số trường biên soạn theo hướng tăng cường năng lực thực hành và tiếp cận các nước tiên tiến trên thế giới. Sau khi ban hành, Bộ giới thiệu cho các trường như một tài liệu tham khảo.

Trong chỉ đạo, Bộ cũng đã chỉ đạo các trường tăng năng lực thực hành cho sinh viên, trong đó có sự gắn kết giữa bộ, trung tâm dịch vụ CTXH với các trường đào tạo để các em có điều kiện thực tế, đặc biệt những ngành chuyên sâu.

Đổi mới chương trình dạy và học

TS. Bùi Xuân Mai, Chủ nhiệm khoa Công tác xã hội, Đại học Lao động - xã hội cho biết, Trường bắt đầu đào tạo ngành CTXH hệ cao đẳng từ năm 1997 trong khoa Xã hội học, nhưng đến năm 2005, sau khi Bộ phê duyệt Chương trình khung giáo dục đại học ngành CTXH, trường bắt đầu triển khai đào tạo hệ đại học đối với chuyên ngành này. Từ đó đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm thay đổi theo chiều hướng lớn dần: từ 80, 100, 120, 200. Vài năm gần đây, đây được coi là nghề “hot”, số lượng sinh viên đăng ký thi rất đông.

Nhận định về chương trình đào tạo đại học ngành CTXH của Bộ, bà Mai cho biết, từ tháng 2010, Trường đã thực hiện dạy và học theo chương trình này, dưới góc độ cá nhân, bà nhận thấy chương trình khá tiên tiến. Các chương trình đó đã tiếp cận với quốc tế, bao gồm đầy đủ nội dung cơ bản mà các chương trình thế giới đã có. Lý thuyết và thực hành đã chuyển dịch dần theo chương trình của thế giới. Tuy nhiên, vấn đề bà băn khoăn là tổ chức triển khai thực tiễn như thế nào. Chương trình có 9 - 12 tín chỉ thực hành, tương đương 800 - 900 giờ thực hành. Nhưng tổ chức thực hành của ta cần phải có điều chỉnh thì mới đảm bảo theo chương trình quốc tế. Hai là, giáo viên của ta lên lớp vẫn còn nặng về lý thuyết. Bà cho rằng, bản thân người thầy lên lớp cũng phải được thực hành, biết thực tiễn mới giảng dạy tốt được. Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng, bản thân sinh viên khi đến với nghề CTXH thì phải tìm hiểu kỹ, xem mình có tâm huyết với nghề ko vì đây là nghề khó. Khi học, các sinh viên cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội và các hoạt động thực hành trong trường. Và khi ra trường, các tân sinh viên cần lựa chọn công việc thích hợp và có thể rèn luyện kỹ năng.

Nhận định về chất lượng đào tạo ngành CTXH hiện nay, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) hoan nghênh các trường đang tham gia đào tạo ngành CTXH hệ cử nhân, thạc sĩ. Về cơ bản, chất lượng đào tạo đã đáp ứng nhu cầu của các địa phương và cơ sở CTXH. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đổi mới đất nước một cách bền vững, chúng ta cần tiếp tục đổi mới chất và lượng công tác đào tạo: đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm dạy, đồng thời chuyên nghiệp hoá giảng dạy các chuyên ngành CTXH. Cái khó của chúng ta là do khó khăn về cơ sở vật chất, giảng viên, nên số lượng sinh viên trong một lớp học rất lớn, có thể đến 70 - 100 sinh viên (ở nước ngoài, số lượng 25 - 30 SV). Thời lượng lý thuyết, thực hành cũng chưa được cân xứng (quốc tế tỷ lệ này là 50/50). Do đó, chúng ta cần hoàn thiện, tăng cường tiếp tục đổi mới giáo dục đào tạo ngành CTXH.

Ông Nguyễn Văn Hồi cũng nhấn mạnh, chúng ta đã có rất nhiều đổi mới trong giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, hy vọng những đổi mới đó sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nghề CTXH.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và đào tạo: Tính đến thời điểm này, đã có 11 trường cao đẳng và đại học thực hiện đào tạo lại 12.125 cán bộ trình độ đại học, 1.092 cán bộ trình độ cao đẳng và 4.524 cán bộ trình độ trung cấp CTXH. Ngoài ra, mỗi năm, có khoảng 2.500 cử nhân CTXH được đào tạo hệ chính quy, dài hạn đúng chuyên ngành. Hy vọng đây là một nguồn nhân lực đáng kể và có chất lượng bổ sung cho đội ngũ cán bộ ngành CTXH vẫn còn đang thiếu và yếu của nước ta trong những năm tới./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực