Dấu ấn 15 năm tín dụng chính sách tại Gia Lai

Thứ tư, 13/09/2017 16:08
(ĐCSVN) - Sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Gia Lai đưa đến tận tay đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã góp phần rất lớn trong công cuộc giảm nghèo bền vững.
Tín dụng chính sách góp phần thay đổi tư duy làm kinh tế của đồng bào (Ảnh: Minh Phương)

Cũng nhờ đó đã hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn, thay đổi tư duy làm kinh tế của bà con, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội tại địa phương.

Trao “cần câu” cho đồng bào

Ở vùng đất khó Ia Pa, kênh vốn của NHCSXH được xác định là một nguồn lực quan trọng góp phần giảm nghèo. Với phương châm “Nơi nào còn khó khăn, nơi đó có NHCSXH”, nhiều năm qua, mạng lưới hoạt động của NHCSXH tỉnh Gia Lai đã lan tỏa khắp các buôn làng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Gia cảnh chị Rơ Chăm HĐưng ở buôn Trôk, xã Ia Trôk cũng như nhiều nhà khác ở huyện Ia Pa quanh năm thiếu trước hụt sau, đói nghèo lởn vởn đeo bám. Nhà có 5 miệng ăn mà thu nhập chỉ trông chờ vào việc cày thuê cuốc mướn của hai vợ chồng. Nhờ sự động viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương, năm 2012, chị Rơ Chăm HĐưng mạnh dạn vay vốn của NHCSXH huyện để nuôi bò. Sau 3 năm, từ một con bò cái ban đầu đã có thêm 2 con bê, cộng với rẫy mì đã nhân lên niềm vui cho gia đình.

“Được vay vốn ưu đãi nên kinh tế gia đình tôi đã ổn định hơn rất nhiều, có của ăn của để. Gia đình tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế hơn nữa để năm nào đón Tết cũng vui”, chị Rơ Chăm HĐưng phấn khởi cho biết.

Không chỉ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế, NHCSXH tỉnh Gia Lai còn tạo điều kiện để cho những hộ mới thoát nghèo tiếp tục được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm thoát nghèo một cách bền vững. Gia đình chị Triệu Thị Lợi ở làng Nam Cao, xã Tơ Tung, huyện Kbang là một trong những hộ được tiếp cận với vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Thuộc diện hộ nghèo nên năm 2010 gia đình chị được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay vốn NHCSXH. Với số tiền 20 triệu đồng được vay, gia đình chị đã mua một con bò cái sinh sản và kết hợp trồng mía, mượn đất trồng lúa nước rồi chăn nuôi thêm gia cầm để cải thiện bữa ăn gia đình và có thêm thu nhập. Chăm chỉ làm ăn, tích góp nên đến đầu năm 2013, nhà chị đã trả được nợ và số tiền vay của NHCSXH, rồi được tạo điều kiện vay lại 30 triệu từ chương trình cho vay hộ cận nghèo. Số tiền này chị tiếp tục mua bò để chăn nuôi và đến nay đã có đàn bò 7 con. Gia đình chị cũng đã mua được đất để trồng mía nhằm nâng cao thu nhập.

Để đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, NHCSXH các huyện trong tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền các cấp thành lập 3.586 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các buôn làng. Tổ có nhiệm vụ tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Đồng thời, các thành viên trong tổ còn giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh; chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cà phê, hồ tiêu, hoa màu đạt năng suất cao. Cùng với đó, các thành viên trong tổ vay vốn còn giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn.

Ông Lê Văn Binh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3, thị trấn Đắc Đoa, huyện Đắc Đoa cho biết: “Từ năm 2007 đến giờ, tôi tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn thấy bà con đều nộp đủ tiền lãi hàng tháng. 100% hộ gửi tiết kiệm để vay vốn đều trả lãi hiệu quả”.

Nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh Gia Lai thực hiện trong 15 năm qua đã góp phần tạo điều kiện cho 131.921 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống; thu hút và tạo việc làm ổn định cho 23.655 lao động; hơn 57.337 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 106.116 hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn nhằm nâng cao điều kiện sống và cải thiện môi trường tại vùng nông thôn; 10.558 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà ở…

Thành tài từ đồng vốn nhỏ

Gia Lai là một trong những tỉnh có dư nợ Chương trình HSSV lớn khu vực Tây Nguyên. Số lượng cán bộ có hạn, địa bàn hoạt động rộng lớn, chủ yếu là vùng miền núi, biên giới nên NHCSXH từ tỉnh đến huyện nơi đây đã phải gồng mình trước áp lực khối lượng công việc lớn với hàng trăm nghìn món vay. Với tinh thần trách nhiệm làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến tận nơi ở của những sinh viên nghèo hiếu học đã trở thành động lực lớn để cán bộ tín dụng chính sách vượt khó, phối hợp hiệu quả với chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác thực hiện tốt Chương trình tín dụng HSSV của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, qua gần 15 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh đã giải ngân 922,8 tỷ đồng vốn chương trình HSSV cho 57.337 HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lưu ở khối phố 2, thị trấn Ia Kha, huyện biên giới Ia Grai rất phấn khởi khi kể về những đứa con của mình và hiệu quả từ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH. Từ thành phố Huế lên Tây Nguyên lập nghiệp, trước đây, kinh tế gia đình thiếu thốn, eo hẹp, con cái lại đông, vợ chồng chị Lưu quyết tâm không để các cháu thất học, nên đã mấy lần đi vay nóng bên ngoài lãi suất cao ngất ngưởng để cho con về thành phố nhập học. May mắn, gia đình chị đã được NHCSXH giải quyết cho vay vốn ưu đãi suốt 4 năm liền, từ năm 2007 với mức vay 8 triệu đồng/năm học. Nhờ đó, các con đã học giỏi, lại như được chắp thêm cánh, thỏa niềm mơ ước của tuổi trẻ trên giảng đường đại học. Không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, cả 3 người con của anh chị Lưu là Quỳnh My, Quỳnh Mái, Kiều Ngân đều tốt nghiệp đại học loại giỏi, có việc làm ổn định ngay khi ra trường, hàng tháng trích tiền lương gửi về cho bố mẹ để trả nợ

Còn chị Huỳnh Thị Giang ở phường Tây Sơn, thị xã An Khê, bộc bạch tâm sự: “Tôi có 3 người con, các cháu học rất giỏi nhưng vì điều kiện khó khăn nên cháu đầu không thể theo đuổi ước mơ học đại học, phải đi làm phụ giúp bố mẹ. Hiện, 2 cháu Trần Quốc Hùng và Trần Thu Trang đang học Đại học Hàng Hải và Kinh tế tài chính ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ được vay vốn nên gia đình cũng bớt gánh nặng chi phí. “Để lo cho các cháu yên tâm học hành, tôi đã vay 60 triệu đồng. Hiện cháu Hùng đã đi làm, cộng với tiền dành dụm được, tôi đã trả nợ hơn 30 triệu đồng. Gia đình tôi rất biết ơn NHCSXH đã cho vay vốn ưu đãi rất kịp thời”, chị Giang nói.

Tiếp tục nỗ lực vì người nghèo

Cũng như các địa phương khác ở vùng Tây Nguyên, tập quán canh tác của bà con dân tộc thiểu số nhiều nơi còn lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt. Vì vậy, đội ngũ cán bộ tín dụng của NHCSXH tỉnh Gia Lai ở cơ sở, phải thường xuyên bám làng, bám dân; tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Anh Võ Hồng Sơn, Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Đắc Đoa tâm sự: “Có những xã cách 60 -70km đường sá đi lại khó khăn, đường đất mùa mưa thì trơn trượt có khi là xe máy cũng không tới nơi được. Nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng hàng tháng ít nhất một, hai lần xuống từng làng để vận động bà con vay vốn và sử dụng đồng vốn có hiệu quả”.

Đi với cán bộ NHCSXH mới thấy công việc của họ không chỉ đơn thuần là cho vay và thu nợ, mà đôi khi giống công tác dân vận nhiều hơn. Mang tiền về tận xã, vận động người nghèo và đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn; rồi cán bộ NHCSXH còn phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể hướng dẫn hộ vay cách làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Với các hộ chây ì, cán bộ ngân hàng lại phải kiên trì tuyên truyền, thuyết phục để người vay hiểu rằng việc trả nợ đúng hạn sẽ giúp cho nhiều hộ nghèo khác có cơ hội được vay vốn để thoát nghèo.

Vì thế, những dấu chân không mỏi mệt của cán bộ NHCSXH đến các làng đồng bào Jrai, Bahnar... đã giúp cho chất lượng tín dụng chính sách trên địa tỉnh Gia Lai không ngừng nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn đến nay chỉ còn 0,0,15% tổng dư nợ, giảm 9,45% so với ngày đầu thành lập 2003.

Hiện nay, chi nhánh đang triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 3.730 tỷ đồng với trên 141 nghìn hộ còn dư nợ. Quy mô tăng trưởng vốn vay gấp 43,39 lần so với ngày đầu thành lập (2003). Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh qua các giai đoạn. Giai đoạn 20011 - 2015, giảm từ 23,73% xuống còn 11,36%; năm 2016 giảm từ 19,71% xuống còn 16,55% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, ông Lê Văn Chí - Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ phấn đấu chuyển tải nguồn vốn đến 100% đối tượng là hộ nghèo và đối tượng chính sách khác khi có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn. Để triển khai, thực hiện hiệu quả Quyết định số 852/QĐ/TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng ổn định bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước; đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai theo định hướng giảm nghèo bền vững”.

Có thể khẳng định, 15 năm qua, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã trở thành địa chỉ tin cậy, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Không chỉ trao “cần câu” giúp đồng bào thoát nghèo mà thông qua việc tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp họ tiếp cận phương thức sản xuất mới, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần cùng tỉnh Gia Lai thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Minh Phương (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực