Hà Nội: Tạo việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề chưa nhiều

Thứ năm, 12/12/2013 09:37

(ĐCSVN) - Ban Chỉ đạo Chương trình 1956 TP. Hà Nội vừa cho biết, toàn Thành phố hiện có 216 cơ sở đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó đã triển khai dạy nghề cho hơn 44 nghìn lao động nông thôn, tập trung vào 2 nhóm nghề là nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Kết quả điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; khảo sát năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Hà Nội cho thấy, năm 2013, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn là 75.573 người.

Hiện nay, toàn thành phố đã triển khai dạy nghề cho 44.006 lao động nông thôn, tập trung vào 2 nhóm nghề là nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các nghề nông nghiệp chủ yếu là trồng rau hữu cơ, rau an toàn, trồng lúa chất lượng cao, trống nấm, chăn nuôi, cá thương phẩm… Các nghề phi nông nghiệp chủ yếu là kỹ thuật chế biến món ăn, tin học văn phòng, may công nghiệp, điện dân dụng, mây tre đan…

 

Sau khi được đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn
đã tìm được việc làm. Ảnh: Hanoimoi


Tính đến tháng 11/2013 đã có 21.752 trên tổng số 44.006 người có việc làm sau khi đào tạo nghề. Trong đó doanh nghiệp tuyển dụng được 2.750 người, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho 3.809 người và có 15.557 người tự tạo được việc làm.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 1956 TP. Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là hoạt động của Ban chỉ đạo 1956 của một số huyện chưa thường xuyên; sự phối hợp giữa các cấp, phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, một số huyện chưa quan tâm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về dạy nghề nên chưa bố trí cán bộ chuyên trách quản lý về đào tạo nghề tại phòng Lao động Thương binh và xã hội cấp huyện; khả năng tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề chưa nhiều, thu nhập của người lao động sau học nghề còn thấp; một số nghề dạy chưa trực tiếp tạo việc làm cho người lao động mà chỉ mang tính chất hỗ trợ quá trình làm việc của người lao động; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên...

Thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, đẩy mạnh đào tạo các nghề nông nghiệp công nghệ cao gắn với quy hoạch sản phẩm chiến lược của địa phương và chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực