Xây dựng nông thôn mới ở Sóc Sơn: Hướng tới sự bền vững

Thứ tư, 28/06/2017 09:43

(ĐCSVN) – Xác định phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã quyết tâm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới, biến những hạn chế của vùng đất đồi, gò thành thế mạnh riêng. Nhờ cách làm này, huyện đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới.

Dồn điển đổi thửa giúp nông dân Sóc Sơn dễ dàng sử dụng máy móc giải phóng sức lao động

Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái

Theo báo cáo của huyện Sóc Sơn, khi xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện có xuất phát điểm thấp. Phần lớn các xã trên địa bàn huyện chỉ đạt vài tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí nông thôn mới. Sóc Sơn có địa hình phức tạp, diện tích đất đồi, gò tương đối lớn, nhiều diện tích là vườn tạp. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế, những cánh đồng lúa chất lượng thấp, những quả đồi trồng cây tạp thành những mô hình sản xuất chuyên canh là đòi hỏi tất yếu đặt ra. Nhưng khi ấy ruộng đất còn manh mún. Nhiều gia đình có đến hơn mười thửa ruộng, mỗi thửa ruộng nằm ở một cánh đồng. Thậm chí có hộ sở hữu mảnh ruộng không đến... 100 m2. Toàn huyện mới bước đầu chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và hình thành một số vùng sản xuất tập trung, nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa và cơ giới hóa trong sản xuất còn thấp. Theo đó, giá trị sản xuất chỉ đạt 75,3 triệu đồng/ha canh tác, tăng trưởng bình quân trong nông nghiệp đạt 2,64% và thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 18 triệu đồng/năm, gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình ấy, Sóc Sơn đã chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, để dỡ bỏ những trở lực lớn nhất trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tính đến năm 2016, huyện Sóc Sơn cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch sản xuất. Toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được hơn 10,8 nghìn ha, vượt kế hoạch thành phố giao. Số diện tích đất dôi dư là 965ha đất để bổ sung cho quỹ đất công, tạo điều kiện để quy hoạch cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi tại địa phương. Tích cực hưởng ứng, chung sức chung lòng xây dựng NTM, nhân dân trong huyện đã hiến hơn 8 nghìn m2  đất thổ cư, đất vườn trị giá hơn 64 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để xây dựng đường giao thông thôn xóm trong khu dân cư và giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ công tác dồn điền đổi thửa. 

Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Sóc Sơn đã có những chuyển biến tích cực, kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất của các ngành luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện 5 năm tăng trưởng trung bình 8,83%. Đặc biệt, nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, hạ tầng kinh tế nông thôn được tăng cường đầu tư, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng được nâng lên rõ rệt.

Trước khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong 25 xã của huyện có 7 xã đạt 5 - 10 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đặc biệt có 3 xã chưa đạt tiêu chí nào. Qua 5 năm triển khai, đến hết năm 2016, toàn huyện có 15/25 xã đạt chuẩn NTM, 10/25 xã còn lại đạt từ 14-17 tiêu chí. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa,… điều kiện nhà ở, điện nước sinh hoạt của nhân dân được đảm bảo, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,8 triệu đồng/năm (tăng 11,8 triệu so với năm 2015). Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, trình độ văn hóa và kỹ năng sản xuất của lao động nông thôn có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh; công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội khu vực nông thôn được đảm bảo.

Kinh tế tập thể của huyện đã có bước phát triển cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng chuyển dịch theo hướng tích cực. Đồng chí Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy cho biết, hiện nay huyện Sóc Sơn đã có 5 nhãn hiệu nông sản được công nhận, giá trị kinh tế đạt cao, khoảng 350-400 triệu đồng/ha canh tác như: Rau hữu cơ Sóc Sơn, chè an toàn Bắc Sơn, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn... Đồng thời, nông dân đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức sản xuất khi chủ động tiếp cận áp dụng tiến bộ khoa học kỹ và chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo đánh giá của đồng chí Phạm Xuân Phương, Bí thư huyện Sóc Sơn, đến nay, chương trình xây dựng NTM đã mang lại gương mặt mới cho huyện với nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp của huyện vẫn chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung trọng điểm; việc ứng dụng công nghệ cao mới chỉ tập trung ở một số mô hình. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại còn phát triển chậm. Đời sống nhân dân ở một số xã xa trung tâm còn gặp rất nhiều khó khăn…

Chính vì vậy, theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, huyện sẽ cố gắng phấn đấu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái để nhằm mục tiêu sản xuất hàng hóa, với sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và có khả năng cạnh tranh cao. Giá trị tăng trưởng của khu vực kinh tế nông nghiệp phấn đấu đạt 2,5%-3%/năm.

Để đạt đươc mục tiêu, huyện sẽ có các chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, liên kết 4 nhà tạo thành các chuỗi sản xuất, cơ chế hỗ trợ về thuê đất, vay vốn. Từ đó sẽ tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tạo niềm tin cho nông dân và thúc đẩy sản xuất.

Đồng thời xây dựng hạ tầng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch an toàn với phát triển nhanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển nông thôn ổn định, đời sống nông dân không ngừng được nâng cao.

Nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới

Trung Giã là xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới năm 2015. Xã đã có quy hoạch hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ cho nhu cầu dân sinh, sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, môi trường; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có. 100% tuyến đường giao thông trục chính, đường trục thôn và ngõ xóm mở rộng và hoàn chỉnh. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, 100% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa; bảo đảm tưới, tiêu ổn định cho 85% diện tích gieo trồng.


Nông dân Sóc Sơn đang dần hình thành các vùng rau màu chuyên canh


Hệ thống trường học được đầu tư hoàn thiện từ nguồn xã hội hóa và ngân sách huyện với 15 tỷ đồng, đến nay trường mầm non và THCS đã đạt chuẩn quốc gia. Nhà văn hóa xã (Khu thể thao Phố Nỷ) được nâng cấp cải tạo, 10/10 nhà văn hóa thôn cơ bản đáp ứng các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.

Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 ước đạt trên 40 triệu đồng/người. Vấn đề an sinh xã hội được chính quyền quan tâm, nỗ lực thực hiện nên kết quả tương đối khả quan. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 77 hộ (2,23%)... An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn luôn được giữ vững.

Bí thư Đảng ủy xã Trung Giã Ngô Thế Bích cho biết, đạt được kết quả trên là do xã đã quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền và vai trò trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội; có sự quan tâm đầu tư của thành phố và huyện; xã phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn cấp và đóng góp của người dân. Xã đã huy động được sức dân và kinh phí chung tay xây dựng NTM của dân, các doanh nghiệp tổng trị giá 27,23 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã vẫn có một số tồn tại cần khắc phục. Một số tiêu chí (nhất là tiêu chí môi trường) hiện còn nhiều việc phải giải quyết, một số tiêu chí mức độ hoàn thành chưa cao, cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong những năm tiếp theo. Thời gian tới, Trung Giã tiếp tục đốc thúc hoàn thành sớm các công trình đang xây dựng; tiếp tục duy trì 19 tiêu chí đã đạt được và nâng cao chất lượng các tiêu chí; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, sinh đẻ có kế hoạch, không phạm pháp hình sự, không mắc các tệ nạn xã hội..., chung tay cùng địa phương giữ vững các tiêu chí NTM đã đạt được./.

Bài và ảnh: Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực