Vĩnh Phúc chống hạn cho lúa Xuân

Thứ sáu, 06/04/2018 15:22
Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tập trung chống hạn và chăm sóc lúa Xuân 2018 nhằm đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao.
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV.

Theo kế hoạch, vụ Xuân 2018, Vĩnh Phúc phấn đấu gieo trồng trên 42.000 ha cây; trong đó, diện tích lúa khoảng 31.000 ha, còn lại là cây ngô, khoai lang, đậu tương và các loại rau màu khác. Sau một thời gian dài không mưa, thời tiết bất lợi nên ở nhiều địa phương trong tỉnh, cây trồng vừa bị khô hạn, vừa bị các loại sâu bệnh gây hại.

Để đối phó với tình trạng khô hạn, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh trang bị tốt các loại máy bơm, bảo dưỡng nâng cấp các trạm bơm, chủ động khai thác các nguồn nước khác nhau ở sông, kênh, ngòi, ao, hồ, đầm….để đưa vào đồng ruộng. Mặt khác, ở những nơi có địa hình cao, điều tiết nước khó khăn, các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân đưa nước vào ruộng đồng kịp thời, tránh để lúa hoặc các loại rau màu khác thiếu nước mà ảnh hưởng đến sinh trưởng. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, khi khai thác nước ở những hồ, đầm lớn phải đặc biệt chú ý giữ lại mực nước tối thiểu để không ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm, cá của người dân.

Đối với dịch hại trên trà lúa Xuân sớm, sâu đục thân, rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, chuột tiếp tục gia tăng gây hại cục bộ. Bệnh đạo ôn (Sông Lô, Bình Xuyên, Lập Thạch) tiếp tục phát sinh, phát triển diện rộng ở trong điều kiện thời tiết âm u, ít nắng, có mưa phùn và sương mù nhẹ. Trà lúa Xuân muộn thì xuất hiện bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục thân tiếp tục phát sinh gây hại rải rác; bệnh khô vằn phát sinh gây hại những diện tích cấy dày, bón thừa đạm. Chuột tiếp tục gia tăng gây hại rộng trên những diện tích lúa gần làng, ao hồ, đường đi, gò cao, mương máng, trang trại...

Trước tình hình trên, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu trạm bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị phối hợp chặt chẽ với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn và trạm khuyến nông ở các địa bàn nhanh chóng hướng dẫn nông dân; tích cực vận động bà con kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen, sâu đục thân, rầy nâu, chuột hại lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời; đồng thời, bón thúc sớm đòng những diện tích lúa đang giai đoạn đứng cái, đảm bảo ruộng đủ nước, không để ruộng khô hạn.

Đối với diện tích lúa Xuân sớm đang bị sâu đục thân gây hại yêu cầu bà con nông dân đưa nước vào ruộng và phòng trừ ngay bằng cách cắt bỏ dảnh héo, phun thuốc: Configent 55SC, Virtako 40 EC, Patox 90 WP hoặc rắc thuốc hạt như  Vibam 5H, Regent 3G,... hướng dẫn và tổ chức diệt chuột tập trung ở những diện tích bị chuột gây hại nặng, diện ruộng; sử dụng các biện pháp thủ công, dùng bẫy lồng, bẫy sập, bả chuột ít độc hại để diệt chuột bảo đảm an toàn cho sản xuất…/.

Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực