Văn Chấn (Yên Bái): Cây ăn quả có múi giúp người dân nâng cao đời sống

Thứ tư, 15/08/2018 10:13
(ĐCSVN) - Với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, những năm gần đây, việc phát triển cây ăn quả có múi đã giúp hàng nghìn hộ dân ở huyện vùng cao Văn Chấn (Yên Bái) có thêm thu nhập…
Toàn huyện Văn Chấn đã có gần 1.700 ha cây ăn quả có múi. Ảnh NQ

Tính đến hết tháng 6/2018, toàn huyện Văn Chấn đã có gần 1.700 ha cây ăn quả có múi (trong đó chủ yếu là cam, quýt). Bình quân sản lượng hàng năm đạt hơn 8.000 tấn quả các loại. Theo đó, thực hiện Đề án “Phát triển vùng cây ăn quả có múi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, thời gian qua, huyện Văn Chấn đã tập trung triển khai nhiều cách làm hiệu quả. Với chính sách hỗ trợ 100% cây giống, UBND huyện và các cơ quan chức năng đã định hướng, tạo điều kiện cho các hộ tham gia thực hiện Đề án tiếp cận tiến bộ kỹ thuật và các giống cam có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm như cam V2, cam chanh Vinh, cam xã Đoài… để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Song song với đó, nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định và tiến tới hình thành liên kết chuỗi giá trị, ngay từ năm 2016, huyện Văn Chấn đã chủ động xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể Cam Văn Chấn với sự tham gia thực hiện của 491 hộ cùng sử dụng tem, nhãn để dán cho sản phẩm. Đồng thời, UBND huyện Văn Chấn cũng định hướng, khuyến khích thành lập các hợp tác xã ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã có 4 hợp tác xã được thành lập mới với chức năng chuyên về dịch vụ và cung cấp cây ăn quả. Đây là các đầu mối để liên kết các hộ sản xuất cây cam quýt trong quá trình sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, ổn định trên thị trường trong tiêu thụ sản phẩm.

Được biết, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị vùng cây ăn quả có múi, thời gian tới, UBND huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục tập trung trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển vùng cây ăn quả có múi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; áp dụng đồng bộ các biện pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất để đa dạng cơ cấu giống, thời vụ chín, mở rộng diện tích canh tác áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP; kêu gọi và tăng cường liên kết trong sản xuất để hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất. Đồng thời sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu tập thể cam Văn Chấn để tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả các mô hình chuyên canh cây ăn quả có múi; tạo cơ sở phát triển đời sống người dân trên địa bàn toàn huyện./.

Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực