Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển ngành thủy sản

Thứ ba, 30/05/2017 13:58
(ĐCSVN) - Ngành thủy sản nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, những khó khăn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng kháng sinh, công nghệ khai thác, bảo quản còn hạn chế,… đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho quá trình phát triển của ngành thủy sản.

Ngành thủy sản Việt Nam cần tháo gỡ những khó khăn về công nghệ khai thác, kiểm soát an toàn thực phẩm,.. .
để đạt mục tiêu phát triển (Ảnh: BT)

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngành thủy sản nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Về nguồn lợi thủy sản, đã xác định có khoảng 2.030 loài cá, trong đó 100 loài cá có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng hải sản khoảng 5.075.143 tấn với khả năng khai thác 2.147.444 tấn. Về nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích có khả năng nuôi trồng khoảng 2,2 triệu ha, trong đó diện tích nước ngọt là 1,7 triệu ha; mặn, lợ 1,18 triệu ha.

Năm 2016, diện tích nuôi tôm cả nước đạt khoảng 700.000ha, diện tích nuôi cá tra khoảng 5.050ha. Riêng chế biến thủy sản, hiện nước ta có 612 cơ sở với công suất cấp đông khoảng 8.000 tấn/ngày và 2.900.000 tấn/năm; có 480 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU. Năm 2016, một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao như: mặt hàng tôm đạt 3,1 tỷ USD; cá tra 1,66 tỷ USD; cá ngừ 510 triệu USD; mực, bạch tuộc 440 triệu USD.

Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo nhìn nhận của Tổng cục Thủy sản, hiện nay, ngành thủy sản đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Cụ thể, cơ chế, chính sách trong quản lý nguồn lợi khai thác và bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản còn chưa hiệu quả, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong khai thác thủy sản, việc tập trung khai thác ven bờ dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi; công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu còn hạn chế, cơ sở hạ tầng cảng cá, chợ cá,…chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Về nuôi trồng thủy sản, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn yếu, chất lượng giống và quản lý nuôi chưa được kiểm soát, giá thành sản xuất hiện còn cao. Riêng về chế biến xuất khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm vẫn còn thấp.

Theo Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), với ngành hàng thủy sản, vẫn còn các lô hàng bị nước nhập khẩu cảnh báo an toàn thực phẩm, nhất là hóa chất kháng sinh. Nguyên nhân do doanh nghiệp kiểm soát chưa hiệu quả nguyên liệu đầu vào, người nuôi sử dụng kháng sinh cấm, lạm dụng kháng sinh hạn chế sử dụng trong quá trình nuôi.

Cùng với đó, rào cản kỹ thuật các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam còn khá nhiều bất cập. Một số thị trường nhập khẩu công nhận danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu không dựa trên việc đánh giá công nhận hệ thống theo thông lệ quốc tế mà sang kiểm tra, công nhận từng doanh nghiệp, do đó, làm tốn thời gian và nguồn lực của cả hai bên. Đồng thời đưa ra các yêu cầu về an toàn thực phẩm cao hơn thông lệ quốc tế mà không có các cơ sở khoa học, đánh giá nguy cơ cụ thể.

Theo Tổng cục Thủy sản, đến năm 2020, ngành thủy sản phấn đấu tăng giá trị bình quân sản xuất thủy sản 6%/năm, khai thác thủy sản 3%/năm, nuôi trồng thủy sản 8%/năm và xuất khẩu thủy sản 6%/năm. Đồng thời, tăng cường quản lý tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại và thực hiện mục tiêu đề ra, theo Tổng cục Thủy sản, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực của ngành thủy sản. Riêng về quy hoạch, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới quy hoạch ở Trung ương và địa phương. Tập trung vào các quy hoạch đã được phê duyệt như: nghiên cứu, sản xuất cung ứng giống, nuôi và chế biến cá tra, phát triển cá nước lạnh, nuôi tôm nước lợ đồng bằng sông Cửu Long; nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung,… Xây dựng quy trình quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước về thủy sản từ Trung ương tới địa phương. Trong khai thác thủy sản, tổ chức lại công tác quản lý tàu cá; xây dựng mô hình sản xuất tổ, đội, hợp tác xã. Thành lập đưa vào quản lý các khu bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái, sản hô, cỏ biển, rừng ngập mặn. Trong nuôi trồng thủy sản, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, đồng thời tổ chức các hộ sản xuất nhỏ lẻ theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm đẩy mạnh hoạt động cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. Về chế biến thủy sản, các cơ sở chế biến cần đạt các tiêu chuẩn về môi trường; cơ sở chế biến mới được tập trung tại các cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu nhằm giảm thiểu các chi phí sản xuất; khuyến khích ưu đãi việc đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng.

Về giải pháp khoa học công nghệ, theo Tổng cục Thủy sản, cần định kỳ điều tra nguồn lợi, nghiên cứu áp dụng công nghệ bảo quản trên tàu cùng với nghiên cứu các mô hình tổ chức khai thác kết hợp dịch vụ trên biển, áp dụng công nghệ viễn thám. Bên cạnh đó, nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nuôi chủ lực tăng trưởng nhanh sạch bệnh; nghiên cứu dinh dưỡng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y thủy sản với giá thành hợp lý. Nghiên cứu quy trình nuôi trồng an toàn sinh học, công nghệ nuôi ít sử dụng nước, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Về giải pháp thị trường, giữ vững cơ cấu các thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống có thị thần lớn và thị trường mới nổi gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU (mỗi thị trường khoảng 18-25% thị phần xuất khẩu thủy sản Việt Nam), Hàn Quốc, Trung Quốc và các khu vực Đông Âu, Bắc Âu, Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ, châu Á. Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, hội và hiệp hội là người tổ chức thực hiện, cơ quan nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ hoạt động. Phát triển hình thức xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị. Với thị trường nội địa, tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống chợ đầu mối và kênh tiêu thụ từ người sản xuất, doanh nghiệp đến các chợ, siêu thị.

Đối với tình trạng cảnh báo hóa chất kháng sinh, theo Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT cần giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả, không sử dụng chất cấm trong nuôi trồng. Giám sát tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về tồn dư hóa chất kháng sinh. Theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp kiểm soát phù hợp./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực