Tìm kiếm động lực mới cho phát triển nông nghiệp

Thứ năm, 25/05/2017 19:56
(ĐCSVN) - Ngày 25/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Động lực mới cho phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay”.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Đ.H)

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, tuy nông nghiệp Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng thời gian gần đây, ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Tổ chức sản xuất trong nông nghiệp chưa bắt kịp sự phát triển của công nghệ. Thị trường cho sản phẩm nông nghiệp đang là bài toán khó. Doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất ít, chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp. Có rất ít nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, có một thực tế là khi được giá thì nông dân không bán sản phẩm cho doanh nghiệp, khi giá thấp, thì doanh nghiệp lại không mua sản phẩm của nông dân, do vậy, vấn đề liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Do đó, để khai thác, khởi động các nguồn lực trong sản xuất nông nghiệp như đất đai, lao động, tài chính, tín dụng, các hình thức tổ chức sản xuất; xác định thể chế, chủ thể trong nông nghiệp cũng như cơ chế vận hành hiệu quả thì cần tìm kiếm động lực mới trong sản xuất nông nghiệp.

Tại hội thảo, báo cáo đề dẫn do PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày chỉ ra rằng, hiện nay, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần. Giai đoạn 2005-2010 tăng trưởng bình quân 4,85%, nhưng giai đoạn 2011-2015 bình quân chỉ đạt 3,13%. 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên trong nhiều nông nghiệp tăng trưởng âm (-0,18%), dẫn đến mức tăng trưởng nông nghiệp năm 2016 chỉ ở mức khiêm tốn 1,2%.

Mặc dù hầu hết các địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu, nhiều nơi tiến hành thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, song quá trình tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, như sản xuất vẫn phổ biến trên quy mô hộ nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu. Chuỗi sản phẩm tạo ra, trừ một số mặt hàng lớn, còn lại đa phần là chế biến thô, nên cho giá trị thấp. Thị trường không có tính ổn định. Nhân tố hạt nhân cho tái cơ cấu chính là các doanh nghiệp và hợp tác xã, nhưng lại chưa nhiều, chỉ có 4.000 doanh nghiệp và 12.000 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước luôn kêu gọi doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp, nhưng chính đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp cũng sụt giảm. Mức đầu tư vào nông nghiệp của Nhà nước giảm từ hơn 13% năm 2006 xuống còn khoảng 6% hiện nay.

Rõ ràng, thể chế phát triển nông nghiệp đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Và, có thể thấy nông nghiệp đã tới điểm nghẽn của sự tăng trưởng, do đó nếu không có sự thay đổi, không cải cách sẽ không có cách nào khai thác để đóng góp vào tăng trưởng, thậm chí có thể trở thành gánh nặng kéo theo sự suy giảm về tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Với cách tiếp cận đó, hội thảo đã tập trung thảo luận ba chủ đề lớn, đó là: Những vấn đề chung về phát triển nông nghiệp ở Việt Nam; những vấn đề đặt ra đang cản trở sự phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay; động lực mới cho phát triển nông nghiệp Việt Nam và gợi ý chính sách.

Qua thảo luận của một số diễn giả tại hội thảo cho thấy, để tìm kiếm động lực mới cho phát triển nông nghiệp, cần làm rõ hơn những đột phá trong cách nghĩ, cách làm và các chính sách cần thiết đối với sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tăng liên kết theo chuối giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Quá trình sản xuất nông nghiệp cần tập trung vào chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng hiện đại, văn minh, phát triển bền vững.

Ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ thông tin, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, năng suất và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Đồng thời, góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Từng bước đưa Việt Nam đứng trong nhóm các quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới và trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu…/.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực