Thực hiện nghiêm Nghị định 67 về đóng mới, nâng cấp tàu cá

Thứ sáu, 23/06/2017 23:35
(ĐCSVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có Thông báo số 4901/TB-BNN-TCTS về Ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP diễn ra ngày 9/6 vừa qua tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định bị hư hỏng chờ sửa chữa (Ảnh: TTXVN)

Theo Kết luận, tính đến ngày 31/5/2017, tổng số tàu cá đã và đang đóng mới, nâng cấp theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là 967 tàu, trong đó 666 tàu đã hạ thủy đi vào hoạt động. Trong số tàu đi vào hoạt động có 624 tàu khai thác hải sản và 42 tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ (tàu vỏ thép 297 tàu, vỏ gỗ 347 tàu và vỏ composite 22 tàu); đa số các tàu hoạt động đạt năng suất và hiệu quả, nhiều tàu đã trả nợ vốn và lãi cho ngân hàng.

Tuy nhiên, vừa qua, xuất hiện 18 tàu cá vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định sau khi bàn giao cho chủ tàu bị hỏng, tập trung tại 2 cơ sở đóng tàu gây thiệt hại cho chủ tàu và ngư dân, gây bức xúc trong dư luận. Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo các địa phương (rà soát các cơ sở đóng tàu trên địa bàn, đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định; đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động đối với tàu cá vỏ thép, yêu cầu các cơ sở đóng tàu khắc phục những hư hỏng), cử đoàn công tác kiểm tra nắm tình hình. UBND tỉnh Bình Định đã kịp thời và chỉ đạo quyết liệt, tổ chức đối thoại giữa chủ tàu, cơ sở đóng tàu, cơ quan quản lý, thành lập Tổ thẩm định độc lập.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 67/2014/NĐ-CP, trong đó có chính sách đóng mới tàu cá, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các tổ chức và cá nhân có liên quan cần tập trung thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về đóng mới, nâng cấp tàu cá và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, về vỏ tàu, các loại vật liệu (thép, gỗ, composite) phải thỏa mãn các yêu cầu theo quy phạm đóng tàu hiện hành.

Về máy tàu, đối với tàu đóng mới phải là máy thủy mới 100%, nguyên chiếc, có bản chính CO (chứng nhận nguồn gốc xuất xứ), CQ (chứng nhận chất lượng), có tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng, được bảo hành chính hãng. Về cơ sở đóng tàu, phải được UBND cấp tỉnh kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh, được Bộ NN&PTNT tổng hợp, công bố. Chủ tàu được quyền lựa chọn cơ sở đóng tàu do Bộ công bố. Các cơ sở đóng tàu phải thực hiện đầy đủ các quy trình, quy phạm trong đóng mới, cải hoán tàu cá và chịu trách nhiệm về chất lượng của toàn bộ con tàu trước chủ tàu và trước pháp luật.

Về thiết kế, việc đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ composite phải trên cơ sở 21 mẫu tàu cá vỏ thép, 21 mẫu tàu cá vỏ composite được Bộ NN&PTNT ban hành. Trong quá trình lựa chọn thiết kế mẫu, chủ tàu được phép sửa đổi bổ sung, nếu việc sửa đổi bổ sung làm thay đổi tính năng của con tàu phải được cơ quan đăng kiểm tàu cá thẩm định, cho phép và chỉ thu phí phần thiết kế bổ sung, không được phép thu phí như thiết kế từ ban đầu, chi phí thiết kế bổ sung được tính vào giá thành tàu.

Về sự cố 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng ở Bình Định, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo tạm đình chỉ, không cho nhận thêm đóng tàu mới của công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để khắc phục sự cố đối với 18 tàu bị hỏng, có biện pháp chấn chỉnh không vi phạm các khiếm khuyết đã xảy ra đối với các tàu đang thi công. Cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm khắc phục triệt để lỗi và trách nhiệm vật chất theo hợp đồng đối với chủ tàu, kể cả bồi hoàn thiệt hại về thu nhập cho chủ tàu do tàu không đi khai thác được. Ngân hàng thương mại xem xét khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân. Những trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố ven biển, tổng rà soát cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp tàu cá, kiến nghị Bộ đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không còn đủ điều kiện hoặc không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm. Tổng kiểm tra, rà soát tàu vỏ thép của địa phương đóng tàu. Đào tạo, tập huấn, ký hợp đồng để ổn định lao động trên tàu. Hướng dẫn, cấp kinh phí duy tu bảo dưỡng tàu theo Thông tư số 27/2014/TT-BNN.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo công văn số 3412/CV-VPCP ngày 7/4/2017 và công văn số 6150/VPCP-KGUX ngày 14/6/2017 của Văn phòng Chính phủ, không để tàu cá đóng xong không được giải ngân, không được ra khơi do vướng mắc về bảo hiểm. Đồng thời, tổng kiểm tra lại các đơn vị bảo hiểm để tháo gỡ vướng mắc. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét kỳ thu nợ theo 6 tháng hoặc 1 năm, thay vì thu hàng quý như hiện nay./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực