Thiên tai đã làm 12 người chết và mất tích

Chủ nhật, 19/08/2018 20:10
(ĐCSVN) - Theo báo cáo nhanh ngày 19/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ những ngày vừa qua đã làm 12 người chết, mất tích và gây nhiều thiệt hại về tài sản.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN)

Cụ thể, tính đến ngày 18/8, thiên tai đã 10 người chết (Sơn La: 02 người do lũ cuốn trôi; Thanh Hóa: 01 người do sạt lở đất đá, 01 người do lũ cuốn trôi; Nghệ An: 06 người do lũ cuốn trôi). 02 người bị mất tích do lũ cuốn trôi (Sơn La: 01 người, Thanh Hóa: 01 người).

Về nhà cửa, 33 nhà bị sập (Sơn La: 01 nhà, Yên Bái: 03 nhà; Phú Thọ: 01 nhà, Thanh Hóa: 05 nhà, Nghệ An: 23 nhà); 3.422 nhà bị ngập (Yên Bái: 124 nhà, Thanh Hóa 1.243 nhà, Nghệ An: 2.055 nhà); 377 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 10 nhà, Yên Bái: 03 nhà; Nghệ An: 364 nhà). Xóm, bản còn bị cô lập (tính đến 19h ngày 18/8): 26 xóm, bản tại Nghệ An.

Về chăn nuôi, thủy sản, gia súc bị chết, cuốn trôi: 401 con (Thanh Hóa: 06 con; Nghệ An: 395 con); gia cầm bị chết, cuốn trôi: 17.168 con (Yên Bái: 30 con; Thanh Hóa: 3.747 con; Nghệ An: 13.391 con); diện tích thủy sản bị ảnh hưởng: 1.115 ha (Thanh Hóa: 125 ha, Nghệ An: 990 ha).

Về giao thông: Các tuyến QL6C, 43, 4G địa phận tỉnh Sơn La, QL37 địa phận tỉnh Yên Bái bị sạt lở ta luy dương gây ách tắc giao thông. Các tuyến QL15, 15C, 16, 217, 217B, 47 thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Các tuyến QL7, 15, 16, 48, 48C, 48D, 48E thuộc địa phận tỉnh Nghệ An bị ngập và sạt lở một số điểm gây ách tắc giao thông.

Ngoài ra còn một số tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An còn bị chia cắt do sạt lở và ngập cục bộ. Chính quyền địa phương đang huy động phương tiện, nhân lực tích cực khắc phục để các phương tiện được lưu thông bình thường.

Về đê điều, đã xảy ra 03 sự cố đê điều: Tỉnh Bắc Giang: 02 sự cố kênh cánh cống (cống Đa Mai, đê hữu Thương và cống Yên Ninh, đê tả Cầu). Địa phương đã xử lý xong trong ngày 18/8, hiện cánh cống đã được đóng kín. Tỉnh Thanh Hóa: xảy ra 01 sự cố bãi sủi tại K16+360 đê tả Chu. Địa phương đã xử lý giờ đầu và tiếp tục theo dõi sự cố.

Về thiệt hại do giông lốc tại tỉnh Cà Mau, theo Báo cáo của Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam, sáng ngày 18/8, tại ấp Tân Phong, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau xảy ra giông lốc gây sập tường nhà dân, làm 02 người chết (Bà Trần Thị Út 59 tuổi và cháu Nguyễn Thị Niêm 4 tuổi).

Về tình hình lũ, lũ hạ lưu sông Thương, sông Cả đang lên; hạ lưu sông Mã đang dao động ở mức đỉnh; sông Chu, thượng lưu sông Mã và sông Cả đang xuống. Mực nước lúc 07h ngày 19/8 trên các sông như sau: sông Thương tại Phủ Lạng Thương 4,98m, trên báo động 1 là 0,68m; sông Bưởi tại Kim Tân 10,97m, dưới báo động 2 là 0,03m; sông Mã tại Cẩm Thủy 18,23m, trên báo động 1 là 0,73m; tại Lý Nhân 10,09m, dưới báo động 2 là 0,38m; tại Giàng 5,11m, dưới báo động 2 là 0,39m; sông Chu tại Bái Thượng 14,50m, dưới báo động 1 là 0,50m; sông Cả tại tại Dừa 23,49m, dưới báo động 3 là 1,01m; tại Nam Đàn 6,24m, trên báo động 1 là 0,84m.

Dự báo: Lũ hạ lưu sông Cả tiếp tục lên; sông Bưởi, sông Mã, sông Chu tiếp tục xuống; hạ lưu sông Thương tại Phủ Lạng Thương có khả năng đạt đỉnh ở mức dưới báo động 2, sau xuống chậm.

Tình hình lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm. Mực nước cao nhất ngày 18/8, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,61m (trên báo động 1 là 0,11m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,09m (trên báo động 1 là 0,09m). Dự báo trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm. Đến ngày 22/8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,8m, dưới báo động 2 là 0,2m; tại Châu Đốc ở mức 3,25m, trên báo động 1 là 0,25m. Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Về cảnh báo nguy cơ sạt lở đất: Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An; ngập lụt ở vùng trũng thấp đặc biệt là các huyện Thạch Thành, Yên Định (Thanh Hóa); Hưng Nguyên (Nghệ An).

Để ứng phó với thiên tai, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 16/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 38/CĐ-TW ngày 15/8/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; các công điện của các Bộ, ngành, địa phương về ứng phó với bão số 4 và tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Tập trung huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do mưa, lũ sau bão gây ra, nhất là Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Tiếp tục tìm kiếm người mất tích tại Sơn La, Thanh Hóa; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.

Bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa, đảm bảo sinh hoạt cho những hộ dân phải sơ tán và bị cô lập tại 26 xóm, bản thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Kiểm soát chặt chẽ giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu.

Vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; tuần tra canh gác, kịp thời xử lý giờ đầu các sự cố đê điều./.

 

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực