Quảng Ninh phát huy lợi thế để phát triển kinh tế biển

Thứ ba, 08/01/2019 15:05
(ĐCSVN) - Được ví “là đất nước Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh có vị trí chiến lược có một không hai và tiềm năng nổi bật về phát triển kinh tế biển.

Trong các chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước, Quảng Ninh được xác định là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế mạnh trong chiến lược biển Việt Nam và trong chiến lược “hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt – Trung, trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, nằm trong khu vực trung chuyển giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ lớn giữa Đông Bắc Á- Đông Nam Á.

Là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng - vùng trung du miền núi phía Bắc với hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000 km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo, Quảng Ninh có hệ thống cảng, bến như: Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng… có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn, có nhiều tiềm năng khai thác tổng hợp, thuận lợi cho ngành vận tải đường biển giữa nước ta và các nước trên thế giới.

Cảng Cái Lân có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn - Ảnh: Minh Mẫn

Đồng thời, Quảng Ninh cũng có hệ thống cửa khẩu phân bố trên dọc tuyến biên giới, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế Móng Cái là nơi hội tụ giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ và thu hút các nhà đầu tư, là cửa ngõ giao dịch xuất nhập khẩu với Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Đặc biệt, với kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO tôn vinh là Di sản thiên nhiên thế giới, bãi cọc Bạch Đằng, đền Cửa Ông, đình Quan Lạn, Trà Cổ, đảo Cô Tô, Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh.

Theo ông Nguyễn Quang Đức, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất với Trung ương áp dụng các cơ chế đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Các công trình được đầu tư là những công trình thiết yếu và cấp bách để phục vụ đời sống dân sinh trên đảo và vùng ven biển như đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, Hạ Long – Vân Đồn, sân bay quốc tế Vân Đồn.

Tỉnh cũng là địa phương đầu tiên đưa điện lưới ra huyện đảo sử dụng công nghệ cáp ngầm 22kV xuyên biển, các dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, đảo Cái Chiên và 5 xã đảo huyện Vân Đồn không chỉ là sự kiện quan trọng của tỉnh, của nhân dân huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Hải Hà mà là sự kiện của cả nước thể hiện sự quan tâm chăm lo cho đồng bào các xã đảo, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống đường, các bến cập tàu và đường dẫn trên các xã đảo, hồ chứa dùng cho sản xuất và sinh hoạt, cơ sở giáo dục, y tế, hệ thống thông tin liên lạc, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, hơn 30 nghìn tỷ đồng đã được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển như: Công ty SSA Holding International – Việt Nam Inc, Cayman (Hoa Kỳ) liên doanh đầu tư xây dựng và vận hành khai thác cầu tàu số 2,3,4 cảng Cái Lân; Tập đoàn SunGroup đầu tư bến số 1 (bến khách Hòn Gai với mục tiêu kết hợp du thuyền – cảng quốc tế)… Ước tính, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cảng biển năm 2018 đạt trên 4.307 triệu USD, thu nộp ngân sách nhà nước qua các cảng biển đạt trên 3.100 tỷ đồng.

Tận dụng vị trí sẵn có, những năm gần đây, du lịch biển đảo Quảng Ninh ngày càng chiếm vị trí quan trọng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện, có sức thu hút lớn với du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê, trong tổng số du khách đến Quảng Ninh có khoảng 70% khách tham gia các tour tuyến biển đảo. Năm 2018, ước tính Quảng Ninh thu hút trên 12 triệu lượt du khách đến tham quan trong đó hơn 5,2 triệu lượt khách quốc tế. Đến nay, riêng khu vực ven biển đã có gần 1.200 cơ sở lưu trú cung ứng trên 19 nghìn buồng phòng với nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, hệ thống shophouse, căn hộ condotel, khu resort nghỉ dưỡng cao cấp…

Đặc biệt với ý tưởng mang tính đột phá, tạo một khu du lịch biển “Mới lạ và sang trọng” tại Vân Đồn gắn với xây dựng sân bay, cảng tàu, khu du lịch giải trí phức hợp có casino… sẽ góp phần đưa du lịch Quảng Ninh nói chung, du lịch biển nói riêng thực sự trở thành một điểm đến có đẳng cấp trong khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch tàu biển. Nhiều tàu biển du lịch quốc tế nổi tiếng thế giới như: Superstar Cemini, Costa Victoria, Europa2, Azamara… đã đưa từ 500-3.000 khách/chuyến đến với Quảng Ninh. Đáng chú ý, ngày 27/11/2018, chuyến tàu đầu tiên cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long của hãng tàu biển Royal Caribbean Cruise Lines của Mỹ xuất phát từ Hồng Kông đã đưa hơn 2.000 hành khách và gần 1.000 thủy thủ đoàn thuộc nhiều quốc tịch đến tham quan vịnh Hạ Long và các điểm du lịch ở Quảng Ninh.

Một góc vịnh Hạ Long - Ảnh: Minh Mẫn

Tỉnh cũng thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại các cảng và bến thủy nội địa tiêu thụ than, xóa bỏ các bến bãi chế biến và xuất than nhỏ lẻ dọc vờ vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long, Cẩm Phả, Đồng Triều…; xây dựng tuyến đường chuyên dung vận chuyển than nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Thực hiện thành công việc di dời các làng chài trên vịnh Hạ Long về khu tái định cư tại phường Hà Phong, TP Hạ Long, hoàn thành di dời các nhà bè kinh doanh không theo quy hoạch trên vịnh.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 vẫn còn những khó khăn, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Công tác an ninh, an toàn, phối hợp với tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với sự cố môi trường biển còn nhiều bất cập.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên đồng thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển thời gian tới, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 36 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Nghị quyết đã xác định chủ trương: “Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển: là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện; phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới”.

Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo Nguyễn Quang Đức cho biết, bám sát những nội dung của Nghị quyết số 36, Quảng Ninh tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng của các hoạt động du lịch và dịch vụ. Khai thác hiệu quả lợi thế kinh tế biên mậu và kinh tế cảng biển; xây dựng khu kinh tế ven biển… gắn liền với bảo vệ môi trường, quốc phòng-an ninh./.

Minh Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực